Theo dõi trên

Tâm tình chuyện sách giáo khoa

09/07/2021, 09:57

BT- Hôm dịch Covid-19 chưa bùng phát ở thành phố, theo lời mời, tôi có ghé nhà anh bạn. Anh bảo hưu rồi lâu lâu không gặp bạn bè nhiều khi thấy thiếu thiếu cái gì, cũng nhờ có đất làm vườn nên đỡ thấy trống vắng. Anh nhắn tôi đến chơi bởi anh đọc xong tập truyện tôi gửi tặng. Tâm tình một lúc về chuyện văn chương rồi quanh về nói chuyện sách giáo khoa (SGK).  

Đôi điều so sánh

Anh có đứa cháu năm tới lên lớp 6, nên hỏi thầy cô quen biết để chọn bộ sách nào tốt nhất mua về cho cháu học. Một số thầy cô nói, nếu biết bộ sách nào tốt, phải có quá trình dạy thể nghiệm vài ba năm, chứ năm tới học SGK mới, giáo viên chưa dạy qua bao giờ. Ở trên có yêu cầu cho giáo viên đọc trước 2 – 3 bộ để so sánh rồi đề xuất chọn bộ nào tốt nhất, nhưng thực tế, đọc loáng thoáng qua một vài lần như cỡi ngựa xem hoa, khó đánh giá chính xác. Anh hỏi thời tôi học phổ thông trước năm 1975 nghe nói tình hình SGK ổn định chứ không như bây giờ? Tôi hỏi ổn định là sao? Anh nói, nghĩa là một gia đình có nhiều anh em đi học, đứa học trước mua học xong thì để lại những đứa em sau tiếp tục sử dụng, chứ hiện nay, học xong là vứt, thế hệ đàn em phải tiếp tục mua sách mới. Tôi nói không hẳn như thế, đó là do cách dạy, cách sử dụng bảo quản sách của học sinh, chứ sách hàng năm tái bản vẫn nguyên như cũ chứ có thay đổi gì đâu, mà những năm trước chỉ có một bộ sách, bây giờ mới chủ trương in nhiều bộ sách.  

Số điều họ đi trước

Còn tình hình xuất bản phát hành SGK thời tôi học trước 1975 cũng gần giống như hiện nay, họ biên soạn theo chương trình quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng tác giả hoặc nhóm tác giả vận dụng để biên soạn theo cách riêng. Đặc biệt giáo viên đứng lớp được quyền tự do lựa chọn bộ sách mà họ thấy tâm đắc với sở học về bộ môn mình phụ trách, chứ không bắt buộc nhất thiết phải dùng một cuốn SGK nào. Trong khi chọn ngữ liệu ra đề cho học sinh làm bài, họ không lệ thuộc vào SGK, nghĩa là ra đề làm sao phù hợp với trình độ của cấp lớp học theo chuẩn nội dung kiến thức chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định.

Sách giáo khoa mới lớp 6

Theo chỗ tôi tìm hiểu thì số lượng tác giả soạn SGK ở mỗi bộ môn khá đông. Như môn quốc văn (ngữ văn bây giờ) hay môn giáo dục công dân có trên 15 tác giả biên soạn(1). Hồi ấy bọn tôi học từ cấp 2 đến cấp 3 (trung học cơ sở đến trung học phổ thông ngày nay), không có hiện tượng nhà trường hay thầy cô bộ môn buộc học sinh phải mua bộ sách của tác giả này hay tác giả kia. Chuẩn bị cho năm học mới chủ yếu là vở, còn SGK vào nhập học rồi mới hỏi thầy cô bộ môn để mua. Nhưng thầy cô bộ môn cũng chỉ nêu nhận xét về vài ba bộ sách rồi gợi ý để học sinh tùy chọn, chứ không ép buộc phải mua bộ sách nào. Học sinh bọn tôi thường nghe theo các anh chị thế hệ đi trước để mua, hoặc xin lại sách của các anh chị ấy để sử dụng. Thầy cô chỉ gợi ý như thế bởi tôi thấy thầy cô khi lên lớp dạy chẳng mấy khi cầm cuốn SGK. Nói đến đây, tôi nhớ lại, hồi tôi đi dạy, năm nào cũng dạy đi dạy lại mấy bài trong SGK, nên đã thuộc lòng, lên lớp giảng bài, tôi không cầm SGK, hôm ấy có mấy người dự giờ. Sau tiết dạy, có người phê bình tôi lên lớp mà thoát ly SGK, tôi cãi lại, nội dung tôi dạy bám sát SGK. Người ấy bảo, lên lớp phải bám vào sách, hướng dẫn học sinh gạch từng từ, từng ý trong sách để học, SGK là pháp lệnh. Nghe thế hệ đàn anh nói pháp lệnh, tôi thấy ghê ghê nên lặng thinh. Bây giờ nhớ lại thấy buồn cười, bởi có văn bản nào quy định SGK là pháp lệnh đâu!  

Tôi học ban C

Hồi ấy chỉ có sách sinh ngữ là mua theo hướng dẫn của thầy cô, thống nhất từ lớp đệ thất đến đệ nhất (tức lớp 6 đến lớp 12 bây giờ), bọn tôi học sinh ngữ chính là Anh văn với bộ English For Today, nếu lên cấp 3 mà đi ban A, B thì chỉ học đến cuốn 4, còn ban C thì học đến 6 cuốn. Cuốn 6 (book six) giới thiệu học về văn chương Anh (Literature In English). Bộ sách Anh ngữ thực dụng này do Lê Bá Kông dịch, Ziên Hồng Sài Gòn phát hành. Sinh ngữ 2 – Pháp văn (ban C ở Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) bọn tôi học cuốn Cours de Langue et de Civilisation Francaises I (Bài học về Ngôn ngữ và Văn minh Pháp – cuốn I) Ban Tu thư Tuấn Tú dịch và giải, NXB Tuấn Tú phát hành. Đến lớp 12 không học văn học nữa mà học triết học. Ban C bọn tôi học triết đến 4 phân môn với 4 cuốn SGK riêng biệt: Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học và Siêu hình học. Ở bộ môn Quốc văn, song hành với SGK, một số tác giả soạn sách giảng luận về luận đề văn chương dành riêng cho từng tác giả có trong chương trình học (như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…) để luyện thi tú tài 1 và thi vào đại học môn nghị luận văn chương(2).

Vấn đề đặt ra, nhận thức đúng đắn xem SGK là tài liệu tham khảo để thực hiện nội dung chương trình, thể hiện được tinh thần như thế đòi hỏi giáo viên thực sự phải là người có năng lực chuyên môn. Lâu nay, từ cấp bộ, người ta chủ trương viết SGK rồi lại viết sách giáo viên, làm thế, bởi họ chưa tin vào trình độ giáo viên đứng lớp.

Võ Nguyên

(1), (2): Theo Trần Văn Chánh, Chương trình giáo dục và sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa – Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114 - 115 ) 2014.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm tình chuyện sách giáo khoa