Theo dõi trên

Phân luồng học sinh sau THCS: Chưa đạt do xã hội coi trọng bằng cấp

21/12/2016, 08:38

BT- Mặc dù ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tuy nhiên, do nhận thức xã hội về nghề nghiệp chưa cao nên việc phân luồng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.

                
Học sinh học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề    Bình Thuận.

Nhiều giải pháp

Ông Trần Lương Công Khanh - Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết, nếu năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 85% số học sinh tốt nghiệp THCS được học tiếp THPT thì đến nay giảm còn khoảng 70%. Thay vì học tiếp THPT các em sau khi tốt nghiệp THCS sẽ đi học nghề và vừa làm vừa học nghề. Để có kết quả đó, hàng năm vào cuối học kỳ 2 của năm học, các trường THCS đều thực hiện công tác hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp theo chủ đề cho học sinh lớp 9 nhằm hướng nghiệp cho các em, tạo cơ hội cho học sinh tiếp tục học tập hoặc học nghề phù hợp năng lực, điều kiện cụ thể của từng học sinh. Qua đó hướng các em vào học các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trong tỉnh đối với các em không có điều kiện tiếp tục học tập ở các trường THPT.  Đồng thời, sau khi xét tốt nghiệp THCS trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các trường THCS phối hợp với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề tiếp tục tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 nhằm giúp các em nắm bắt những thông tin quan trọng để các em lựa chọn tiếp tục học lên cấp THPT hoặc học nghề. Đặc biệt, những năm qua tỉnh đã thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số không trúng tuyển vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh được xét vào học trung cấp nghề đã thu hút được nhiều học sinh theo học nghề. Khóa học 2016 - 2019 có 189 học sinh được xét vào học trung cấp nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Theo đánh giá, sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tìm được việc làm ổn định khá cao.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện với tổng số tiền 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Ngoài ra, phân khai cho Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận 16 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 15 tỷ đồng, ngân sách đia phương 1 tỷ đồng) để đầu tư nghề trọng điểm, nghề phổ biến phục vụ phát triển ngành và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm các trường, trung tâm dạy nghề cấp huyện cũng được đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề. Đặc biệt, năm 2015, toàn tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề cấp huyện thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên do UBND cấp huyện quản lý nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề.

 Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, thực tế xã hội hiện nay vẫn coi trọng việc học đại học hơn học nghề khiến kết quả thực hiện chủ trương phân luồng sau tốt nghiệp THCS đạt thấp. Học sinh còn lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai sao cho phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội. Một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện để nhận học viên sau khi tốt nghiệp trường nghề nên nhiều em vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Theo ông Khanh, muốn việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được tốt, trước hết cần phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh, học sinh. Trong đó, cần tổ chức các buổi hội thảo, mạn đàm với cha mẹ học sinh về việc học của con, tư vấn, định hướng và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, gặp các gương điển hình, sản xuất giỏi. Cần tạo nhiều việc làm mới để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề, có sự phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và sử dụng sau đào tạo nghề để tránh học sinh ra trường mà không có việc làm, gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Tập trung thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh; thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh vào cuối mỗi năm học; có chính sách khuyến khích đối với học sinh tốt nghiệp THCS theo học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề…

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân luồng học sinh sau THCS: Chưa đạt do xã hội coi trọng bằng cấp