Theo dõi trên

Nỗi lo mạng chập chờn khi dạy và học trực tuyến

13/09/2021, 09:23 - Lượt đọc: 294

BT- Năm học mới vừa khai giảng bằng hình thức trực tuyến, được đánh dấu là mùa khai giảng đặc biệt nhất từ trước đến nay. Sau đó, học sinh lớp 9 và 12 toàn tỉnh chính thức bước vào chương trình học thông qua truyền hình và học trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài nỗi lo thiếu máy móc, thiết bị học online, nhiều học sinh, giáo viên còn lo lắng khi thường xuyên bị rớt mạng.

Học sinh, giáo viên lo lắng khi việc học online bị gián đoạn. Ảnh: Hồng Châu.

Ghi nhận trong 3 ngày đầu tiên học online ở 2 khối lớp 9 và 12 ở nhiều trường THCS, THPT trong toàn tỉnh, các buổi học trực tuyến của học sinh, nhất là tại những trường sử dụng giải pháp hỗ trợ dạy - học trực tuyến như Zoom, Google Meet, Microsoft Team liên tục bị rớt mạng, gián đoạn thời gian học. Em Nguyễn Thị Kim Loan – học sinh Trường THPT Hòa Đa (huyện Tuy Phong) cho biết: “Ngoài học trên truyền hình, em còn tham gia học trực tuyến bằng phần mềm Google Meet. Mấy ngày qua, việc kết nối vào lớp học không được thuận lợi, nếu vào được lớp thì mạng chập chờn, hình ảnh và âm thanh của giáo viên không khớp nhau”. Tuy chỉ học 30 phút/ngày do học phần mềm miễn phí, nhưng nhiều học sinh than phiền mạng yếu, không ổn định nên việc tiếp thu kiến thức phần nào bị hạn chế.

Nhiều giáo viên cũng gặp tình trạng trên khi những ngày đầu dạy online thường xuyên bị out (rớt mạng), buộc phải đăng nhập nhiều lần rất mất thời gian. Một giáo viên Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo – TP.Phan Thiết cho biết: “Có thể do nhiều trường dạy trong cùng một thời điểm nên dẫn đến đường truyền băng thông yếu. Nếu thời gian tới, các cấp học khác cũng dạy online thì khả năng việc truy cập sẽ khó khăn hơn rất nhiều”. Nhiều gia đình gặp sự cố về mạng cũng gọi hỏi nhà cung cấp thì được tư vấn “Gia đình tôi đang dùng thuê bao internet với cước phí 120.000 đồng/tháng, chỉ đáp ứng việc lướt web thông thường, nay phải nâng cấp lên gói cước 180.000 – 200.000 đồng/tháng thì con cái học hành mới ổn định được. Đang dịch, mọi sinh hoạt phí đều khó khăn, lại thêm việc nâng cấp mạng khá tốn kém khiến nhiều gia đình rất áp lực về kinh tế”, chị Thu Hà, một phụ huynh phường Phú Trinh – TP. Phan Thiết cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng mạng chập chờn, nhiều giáo viên buộc phải tự nâng cấp dung lượng mạng. Một giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (TP.Phan Thiết) chia sẻ: “Thông thường tôi chỉ dùng gói cước 165.000 đồng/tháng, nay dạy online tôi phải mua luôn gói wifi nguyên năm, mua thêm moderm tăng cường sóng wifi gần 700.000 đồng để việc dạy và học tập của các con không bị trở ngại”.

Các nhà mạng viễn thông trong tỉnh cho biết, lưu lượng sử dụng các hệ thống học trực tuyến những ngày qua đã tăng lên gấp nhiều lần so với các ngày thông thường. Ngoài ra, do sự cố đứt cáp quang biển diễn ra cùng lúc đã ảnh hưởng tới việc truy cập của người dùng, đặc biệt liên quan đến các trang dịch vụ nước ngoài như Zoom, Google Meet. Một nguyên nhân nữa dẫn đến mạng chập chờn là do những phần mềm này từ quốc tế, được sử dụng miễn phí nên giới hạn thời gian dạy và đường truyền không ổn định. Nhiều trường tư thục đã mua bản quyền học với Google Meet với chi phí 2,5 triệu đồng/năm thì không xảy ra tình trạng bị “out”.

“Sắp tới, nếu các cấp học khác đồng loạt học online, nhà trường cần thống nhất với phụ huynh để dạy học trực tuyến theo các khung giờ khác nhau nhằm giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Đối với những môn xã hội, giáo viên chỉ cần gửi đề cương qua zalo, email lớp, hệ thống câu hỏi ôn tập và cần tinh gọn chương trình để việc học online đạt hiệu quả hơn”, một phụ huynh gợi ý.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cước internet 3G, 4G, giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo mạng chập chờn khi dạy và học trực tuyến