Theo dõi trên

Những người thầy mở lối về nẻo thiện

20/11/2020, 09:25

BT- Tôi đã từng đọc ở đâu đó những vần thơ: Người quản giáo, một người thầy bản lĩnh/Tóc bạc dần dù không bụi phấn bay/Trang giáo án là tấm lòng nhân ái/Trò học xong không quay lại nơi này!

Vần thơ trên đã thôi thúc tôi tìm về Trại giam Huy Khiêm, thuộc Tổng cục 8 - Bộ Công an đóng chân trên địa bàn thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh để tìm hiểu  về những người thầy khoác trên mình màu xanh của sắc phục, đang hàng ngày gieo màu xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những “người trò” từng lầm đường lạc bước. 

Giáo trình là sự tận tâm

Bước qua cổng phân trại 2, thuộc Trại giam Huy Khiêm, ấn tượng với chúng tôi là vườn hoa mười giờ rực rỡ khoe sắc. Giữa những luống hoa nhiều phạm nhân đang làm cỏ. Tiếng cười nói của họ hòa lẫn tiếng nước róc rách tưới hoa. Trại giam Huy Khiêm đóng tại huyện miền núi Tánh Linh. Đây là nơi chấp hành án của gần 2.000 phạm nhân đủ các độ tuổi, thành phần, mức án đang được giam giữ, cải tạo. Hàng năm ngoài các lớp học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân tổ chức cho tất cả các phạm nhân, đơn vị còn phối hợp tổ chức các lớp dạy chữ, dạy nghề. Người thầy “đặc biệt” ở ngôi trường này đảm nhận vai trò giảng dạy lớp học chủ yếu là cán bộ quản giáo. 

Từng có trên 15 năm gắn bó với trại giam và hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hàng ngàn phạm nhân, Thiếu tá Đỗ Văn Thanh, người đã cảm hóa được không ít phạm nhân cho biết: Nếu người thầy đứng trên bục giảng nhà trường là “giáo dục đi”, tức là giáo dục đạo đức, văn hóa giúp hình thành nhân cách, trình độ cho con người thì những người thầy trong trại giam được coi là “giáo dục lại”. Nhiệm vụ này rất khó khăn, bởi những người phạm tội đều là những đối tượng đã trưởng thành, có nhận thức, có va chạm xã hội, từng trải và phần lớn là có sự méo mó về nhân cách. Vì vậy, để phạm nhân nhận thức được pháp luật, hiểu ra lỗi lầm trong quá khứ, đồng thời có thêm nghị lực để xóa bỏ mặc cảm, cải tạo tốt trên con đường hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng đó là công sức và sự cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ của trại trong suốt quá trình dài phấn đấu. “Xét cho cùng, cán bộ quản giáo cũng là những người dạy học, chỉ có điều những bài giảng của chúng tôi chẳng bao giờ có giáo án.  Phạm nhân cũng là những người có tâm tư, có xúc cảm, chỉ khi “đánh” đúng vào tâm lý họ, thấu hiểu họ thì mới rèn giũa được họ”. Thiếu tá Thanh chia sẻ thêm.

Thiếu tá Lương Xuân Ngọc, cán bộ quản giáo thuộc phân trại số 2, Trại giam Huy Khiêm đang hướng dẫn dạy nghề cho phạm nhân

Đang mải mê lao động, phạm nhân Nguyễn Văn Tùng có phần bất ngờ khi được tôi tiếp cận trò chuyện. Sau một hồi trao đổi, phạm nhân này mới cởi mở hơn. Tùng cho biết, những ngày đầu vào trại luôn cảm thấy bất an, hoảng loạn, đến mức ngay cả những điều bình thường nhất cũng khiến họ sợ hãi, lúc khóc, lúc cười… Thế nhưng được sự động viên tận tâm cũng như sự giáo dục của cán bộ trại giam nơi đây giờ Tùng đã vượt qua những ngày tháng đó, cố gắng lao động thật tốt để nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước để sớm trở về với gia đình và xã hội. 

Dẫn lối ngày trở về...

Cùng với việc giáo dục văn hóa, pháp luật cho phạm nhân thì công tác đào tạo nghề tại Trại giam Huy Khiêm được đặc biệt quan tâm. Trung tá Thái Duy Long - Phó Giám thị Trại giam Huy Khiêm cho biết: Với suy nghĩ làm thế nào để mỗi phạm nhân  sau khi chấp hành xong án phạt tù có một tay nghề, một công việc làm, sớm ổn định cuộc sống, giúp đỡ gia đình và lập nghiệp, không tái phạm tội, đơn vị tìm mọi cách huy động mọi nguồn lực để dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân. Hiện tại, phạm nhân thụ án tại Trại giam Huy Khiêm được theo học các nghề như: xây dựng, hàn, chăm sóc và khai thác cây cao su, dán thủ công mỹ nghệ... Thông qua đó các phạm nhân biết việc truyền nghề lại cho những phạm nhân mới đến chấp hành án. Ngoài ra, trại hiện nay đang tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động với các nghề như: bóc tách cạo vỏ lựa hạt điều, làm gạch, làm lông mi, trồng lúa, trồng rau xanh, chăn nuôi... “Đào tạo nghề cho đối tượng là phạm nhân rất khó, bởi lẽ nhiều người trong số họ do lười lao động nên dẫn đến phạm tội. Khi vào đây, một số đối tượng tỏ ra không hứng thú với việc học nghề. Bởi vậy, trước hết chúng tôi phải “đả thông tư tưởng”, giúp phạm nhân có quan niệm đúng đắn hơn về lao động và quý trọng giá trị lao động”, Thiếu tá Lương Xuân Ngọc, cán bộ quản giáo thuộc phân trại số 2, Trại giam Huy Khiêm chia sẻ.

Bao nhiêu năm làm nghề  quản giáo, Thiếu tá Ngọc cũng không nhớ nổi mình đã truyền nghề cho bao nhiêu phạm nhân. Nhọc nhằn, vất vả và nhiều khi có cảm giác mình “bất lực” trước những “học trò” khó bảo. Thế nhưng động lực lớn nhất để những cán bộ, quản giáo phấn đấu chính là niềm tin và hy vọng sau này khi mãn hạn tù, những phạm nhân này sẽ có một công việc ổn định, có thể kiếm được những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình . Và hơn hết có một nghề trong tay để giúp phạm nhân tự tin, bớt đi mặc cảm về những lỗi lầm của mình để tái hòa nhập với cộng đồng. “Ở ngoài đời  em chưa làm nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ này bao giờ, nhưng vào đây được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ trong việc dạy nghề, giờ đây tay nghề của em đã  ổn định.  Nếu được trở về với xã hội, em sẽ dùng công việc này để làm lại từ đầu”, phạm nhân Hà Văn Giới, Trại giam Huy Khiêm cho biết.

Trại giam chính là trường học hoàn lương cho người lầm lỗi. Những ngày ở trại đã cho họ bài học cuộc đời, bài học làm người lương thiện. Họ được sống trong tình cảm bao dung của những người thầy là quản giáo, được giải tỏa những vướng mắc trong tư tưởng, được lao động sản xuất, đồng thời họ được định hướng nghề nghiệp khi cởi bỏ chiếc áo tù để trở lại với cộng đồng, xã hội. Chia tay những cán bộ quản giáo ở Trại giam Huy Khiêm, chúng tôi thấy vui lây với niềm vui giản dị nhưng cũng rất đáng tự hào của họ. Đường về nẻo thiện đang dần mở ra trước mắt của hàng ngàn phạm nhân. Con đường đó đang được vẽ ra từ những người thầy “đặc biệt” này.    

  Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầy mở lối về nẻo thiện