Theo dõi trên

Nhiều trường mầm non tập trung phòng bệnh tay chân miệng

17/10/2018, 15:22 - Lượt đọc: 12

BTO- Đến ngày 14/10, toàn tỉnh có 945 trường hợp bệnh tay chân miệng, nhóm bệnh chủ yếu dưới 6 tuổi. So cùng kỳ năm 2017 giảm 116 trường hợp, tuy nhiên số ca mắc bệnh trong các tháng 8, 9, 10 tăng cao, đáng chú ý là ở Hàm Thuận Bắc (188 trường hợp), Hàm Thuận Nam (140), riêng TP. Phan Thiết ghi nhận 100 trường hợp -Bác sĩ Hoàng Văn Hùng – Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết.

Đảm bảo môi trường sạch sẽ cho trẻ

Có mặt tại Trường mầm non Bình Hưng vào đúng thời điểm các cô giáo đang làm vệ sinh lớp học. Đây là việc làm hàng ngày của các cô giáo ở đây, đặc biệt kể từ khi dịch tay chân miệng có chiều hướng diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành lân cận, thì công việc này càng được chú trọng hơn. Cô Nguyễn Thị Thủy – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc lau sàn hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường, định kỳ cuối tuần giáo viên sẽ vệ sinh lớp học bằng Chloramin B. Cùng với đó tất cả đồ dùng cá nhân, đồ chơi của trẻ đều được cô giáo lau, giặt thường xuyên, đảm bảo cho trẻ có môi trường vui chơi sạch sẽ và an toàn.

Năm học 2018 – 2019, Trường mần non Bình Hưng có hơn 400 trẻ theo học. Số lượng học sinh khá đông do mới sáp nhập từ Trường mầm non Bông Trắng và mẫu giáo Bình Hưng. Hiện nhà trường có 3 cơ sở, khiến việc quản lý gặp một số khó khăn, tuy nhiên trường luôn đề cao việc phòng chống dịch bệnh. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã dán thông báo tuyên truyền về cách phòng chống bệnh tay chân miệng trên bảng tin để phụ huynh tiện theo dõi. Quản lý chặt chẽ bếp ăn bán trú theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều và bổ sung thêm rau xanh, dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ. Vì vậy đến nay không có trẻ nào có dấu hiệu mắc bệnh.

Còn tại Trường mầm non Lê Quý Đôn, ghi nhận đến ngày 16/10 có 5 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Theo lãnh đạo trường này, tất cả các trường hợp nghi ngờ bị bệnh đều được giáo viên các lớp trả về cho phụ huynh theo dõi, có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời, đến khi trẻ khỏe hẳn mới nhận lại. Đồng thời nhà trường tổ chức dọn vệ sinh phòng học, đồ chơi của trẻ. Hướng dẫn các em rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn trước, sau khi ăn xong và đi vệ sinh; không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, ca nước, che miệng khi ho, hắt hơi… 

                       
      
      
      Giáo viên Trường mầm non Bình Hưng lau chùi đồ chơi của trẻ và hướng    dẫn các em rửa tay đúng cách

Trước diễn biến của dịch bệnh, nhiều phụ huynh có con học tại Trường mầm non Lê Quý Đôn khá hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên khi thấy sự chủ động và xử lý kịp thời của nhà trường, phần nào họ đã yên tâm. Chị Thúy – có con học ở lớp mầm chia sẻ: Sau khi đón con, cô giáo đều thông tin về hoạt động của bé trong ngày và đã phát cho phụ huynh tờ gấp hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách, khiến chúng tôi khá yên tâm.

Cần chủ động phòng ngừa

 Bác sĩ Hoàng Văn Hùng cho biết thêm: So với các tỉnh khu vực miền Trung và tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, tình hình tay chân miệng ở tỉnh ta vẫn nằm trong khả năng kiểm soát, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng hay tử vong. Dự báo dịch bệnh này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh tập trung đông, Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã yêu cầu Trung tâm y tế tuyến huyện, thị, thành phố tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Lấy mẫu xét nghiệm và điều tra những trường hợp bệnh nặng từ độ 2b trở lên và trường hợp mắc mới ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh. Phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi phát hiện. Chuẩn bị đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ các trường học không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài...

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế bên cạnh đảm bảo vệ sinh, phụ huynh và các trường học cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc cho trẻ ăn đủ chất, tăng cường dinh dưỡng. Khi phát hiện trẻ nghi ngờ bị bệnh cần đưa đi khám để được điều trị kịp thời.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường mầm non tập trung phòng bệnh tay chân miệng