Theo dõi trên

Người vợ không tên họ

24/04/2020, 10:10

BT- Cảm nhận truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, nhiều ý kiến xem Tràng là nhân vật chính, thứ đến bà cụ Tứ, rồi mới tới người “vợ nhặt”. Theo tôi, nhân vật “vợ nhặt” mới là nhân vật trung tâm, bởi nhân vật điểm xuyết từ đầu đến cuối, tác động và chi phối đến mọi tình huống truyện, có sức lay động, ám ảnh nhất, mới làm nên truyện. 

 Nhân vật phát triển tính cách rõ nét nhất

Hình ảnh người “vợ nhặt” xuất hiện ngay trong nhan đề truyện, gây cho người đọc ấn tượng thắc mắc, suy ngẫm. Sự kiện trọng đại đời con gái là chuyện đi lấy chồng, nên khi hỏi cưới luôn “báo hỷ” cho bà con, làng xóm biết để mừng. Đàng này, cô được Tràng “nhặt” như lượm của rơi đưa về làm vợ. Chỉ cái nhan đề cũng làm cho người ta day dứt về thân phận con người. Đáng thương đến nỗi con người ấy không có quá khứ, quê hương, ngay cái tên cũng không có. Chỉ gọi một đại từ “thị”, có khi gọi “cô ả”, “chị ta” hoặc “người đàn bà” nhằm chỉ chung một cách tầm thường cho phái nữ. Tràng cũng chưa hỏi tên cô, nên xưng hô cứ trổng không. Xóm ngụ cư và bà cụ Tứ cũng không ai biết.

Cô đến với Tràng khi cái đói đẩy con người rơi vào cảnh bơ vơ cầu thực. Lúc đầu, cùng nhóm bạn gái “ngồi vêu ra đấy” ở quanh cửa kho thóc trên tỉnh chờ “nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm”, nhưng chẳng có ai gọi. Khi nghe câu hò của Tràng, qua vài lời chọc ghẹo, thế là cô “ton ton chạy ra đẩy xe cho Tràng”, cười tít mắt. Cũng là chuyện trai gái đùa nghịch thường tình, thế thôi. Nhưng có lẽ, qua cái vẻ bạo dạn ấy, thâm tâm cô thực sự muốn được “ăn cơm trắng mấy giò”. Cái đói làm cho con người phút chốc trở nên tiều tụy. Chỉ mấy ngày sau, Tràng gặp lại, cô thay đổi quá lớn, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Vừa thấy Tràng xuất hiện, cô “sầm sầm chạy đến, […] sưng sỉa nói: “Điêu! Người thế mà điêu!”. Sao cô lại mắn Tràng? Chuyện hôm trước chỉ đùa vui, chứ có gì đâu mà “điêu”! Xét ra, khi cái đói đe dọa, ranh giới giữa sống và chết quá mỏng manh, cô lo sợ, đang chờ sự giải thoát, nên nghe câu hò của Tràng, như người sắp chết đuối gặp được phao cứu hộ, bám lấy để nuôi hy vọng, đặt niềm tin, vượt qua cái chết, với cô, đâu phải chuyện đùa. Thế mà anh Tràng kia “nói lời chẳng giữ lấy lời”, ai mà không tức, nên mắn Tràng “điêu”! Cũng hay, gặp phải anh Tràng lành tính, nghe mắn, anh “toét miệng cười”, mời ăn giầu xã giao, nhưng cô gợi ý: “Ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Được mời, “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên”, đon đả, “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Tính cách nói năng “sưng sỉa”, dáng đứng “cong cớn”, ăn uống thô tục, thao tác trơ trẽn… thế còn gì là duyên! Con gái mất duyên là hỏng hết. Nhưng đói quá, mạng sống còn chưa chắc giữ được, huống hồ là duyên!? Rồi nghe Tràng nói một câu mà chính Tràng cũng ngỡ nói đùa: “Có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, “ai ngờ thị về thật”. Chuyện cô đi lấy chồng là vậy, đánh đổi cuộc hôn nhân bằng “bốn bát bánh đúc”, một quyết định táo bạo, liều lĩnh! Bởi cô chưa biết gì về thân thế của Tràng! Khi đi tới xóm ngụ cư, cô mới hỏi: “Nhà có ai không?”. Lúc ấy mới biết Tràng còn có một mẹ già.

 Nhân vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất

Trên đường từ tỉnh về làng, tâm lý, tính cách người “vợ nhặt” thay đổi liên tục, chợt vui, chợt buồn, chợt hy vọng, thất vọng… Sự táo tợn, “sưng sỉa”, “cong cớn” mất đi, cái nết na duyên cố hữu của người con gái lại trở về. Qua xóm ngụ cư, bọn trẻ trêu Tràng, biết người chung quanh đang nhìn mình, “thị càng ngượng nghịu”, “trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”. Sự “ngượng nghịu”, “bước díu chân” kia là cái duyên con gái. Điều bất ngờ, sự xuất hiện của cô làm cho xóm ngụ cư “có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối của họ”, từ những đứa trẻ “ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích” khi thấy Tràng đi với cô, bỗng chúng vui nhộn chạy theo nô đùa, còn người lớn với “những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”. Đến nhà Tràng, trông thấy cái nhà không ra nhà, báo hiệu cuộc sống “nghèo rớt mồng tơi”, lời Tràng khi ở trên tỉnh vỗ tay vào bị tiền bảo “Rích bố cu, hở !” giờ đã lộ rõ sự khoác lác, cô chỉ còn biết ném một tiếng “thở dài”. Nhưng khi bước vô nhà, cô lại e thẹn, rụt rè, chỉ dám “ngồi mớm xuống mép giường”. Khi gặp bà cụ Tứ, cô càng khép nép, lúng túng. Bắt gặp cái nhìn của bà, “thị cúi mặt xuống”. Tính “chao chát chỏng lỏn” ngoài tỉnh không còn, chỉ còn một cô gái ý tứ, lễ phép.

Chuyện gì trong đêm “tân hôn”? Ấy là tiếng khóc người chết ai hờ đâu đó, về khuya càng thảm thiết, mùi đốt “đống rấm” xua tử khí ở nhà có người chết lồng trong không gian. Có lẽ chưa có một đêm tân hôn nào như thế xảy ra trong văn học! Đến bữa ăn sáng đầu tiên, được mẹ chồng đãi nồi cháo loãng và “chè khoán” – thức ăn cho heo, cô im lặng chịu đựng. Nhưng vào cái buổi đầu tiên ấy, cô làm cho không khí gia đình Tràng khác hẳn. Nhà cửa vườn tược “được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng”. “Cái khuôn mặt bủng beo u ám” của cụ Tứ bây giờ cũng “rạng rỡ hẳn lên”. Mới hôm trước, cô bám vào Tràng như bám vào phao cứu sinh, giờ thì ngược lại, cô tác động làm cho cuộc sống của Tràng thay đổi, nhận thức lại chính bản thân mình, ý thức được trách nhiệm. “Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông ấy, nó ôm ấp, mơn man da thịt Tràng” […], “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”… “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Khi nghe tiếng trống thúc thuế, người “vợ nhặt” đã vén mở bức màng u ám hiện tại, tạo nên sự chuyển hóa, hé cho Tràng ý thức về “lá cờ đỏ bay phấp phới”, hướng về tương lai như một hừng đông đang lờ mờ hiện ra phía trước. Chính những đặc điểm đó, nên tôi nghĩ người “vợ nhặt” là nhân vật trung tâm của truyện.

Trong đời sống văn học, không ít nhà văn nói về cái đói. Nam Cao viết về cái đói để nói về cái nhục của miếng ăn, nghĩa là Nam Cao kêu cứu nhân phẩm. Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan nói về đói khổ của người nông dân là kêu cứu sự sống. Còn Kim Lân (không ngoài nội hàm như thế), nhưng có điều khác hơn, nói về cái đói để thấy được tình người và đưa con người gần lại với nhau. Khi viết “Vợ nhặt”, ông đã phát biểu: “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến sự sống”. Họ đã nương tựa vào nhau để sống một cách tự nhiên, lương thiện, chia sẻ, yêu thương gắn bó. Giá trị nhân đạo, ý nghĩa nhân văn của ngòi bút Kim Lân là ở đó.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người vợ không tên họ