Theo dõi trên

Người “truyền lửa” môn lịch sử cho học sinh

19/09/2017, 08:39 - Lượt đọc: 42

BT- Trong những năm gần đây, môn lịch sử bị coi là môn yếu thế hơn các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, các em học sinh ít hứng thú với môn học này. Trước thực tế đó, cô giáo Lê Thị Phượng – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Bắc Bình) đã khơi dậy niềm yêu thích môn lịch sử cho học sinh bằng cách thường xuyên  đổi mới phương pháp dạy.

                
Cô Lê Thị Phượng.

Thỏa mãn ước mơ dạy sử

Ngược dòng thời gian, cô Phượng kể về cơ duyên đến với nghề “đưa đò” chỉ vì quá yêu thích môn lịch sử ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ấp ủ ước mơ được làm giáo viên giảng dạy bộ môn này. Ước mơ được làm cô giáo trở thành hiện thực khi cô thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh khoa Lịch sử. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, cô được phân công nhiệm vụ về Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai giảng dạy cho đến nay. Mười ba năm giảng dạy bộ môn lịch sử, cô Phượng luôn mong muốn góp một phần công sức, trách nhiệm của mình để cho học sinh nắm bắt về lịch sử quê hương, đất nước, nhân lên tình yêu, niềm tự hào về quá khứ, về truyền thống tốt đẹp của cha ông.  Nhiều đêm cô trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để tạo hứng thú cho học sinh đối với bộ môn này. Bởi phần lớn học sinh không thích học môn lịch sử, coi đó là môn học phụ với các sự kiện, năm tháng khô khan và nhàm chán. Với mục đích đã xác định rõ ràng và hơn hết là sự tâm huyết, tình yêu nghề của mình, cô Phượng luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử để “truyền lửa” cho các em học sinh.

 Tạo hứng thú cho học trò

Cô Phượng đã không sử dụng phương pháp dạy học truyền thống (thầy đọc - trò chép), mà mỗi bài học cô đều lồng ghép với một câu chuyện lịch sử và những sự kiện. Để có nguồn sử liệu phong phú, đa dạng, cô đã chịu khó tìm tòi, đọc nhiều sách báo, xem tin tức thời sự và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp. Cùng với đó, cô đã sử dụng các kỹ thuật, sự đầu tư giảng dạy bằng máy chiếu, sử dụng phương tiện, đồ dùng trực quan để giảng dạy. Cô Phượng chia sẻ, “Lịch sử vốn là môn học khô khan với nhiều mốc thời gian, sự kiện. Vì vậy, không nên ép học sinh học thuộc lòng trong sách giáo khoa, không đọc cho học sinh chép nhiều. Thay vào đó, giáo viên cần ghi những sự kiện chính lên bảng. Đồng thời, cho học sinh nói lên suy nghĩ của mình về nội dung bài giảng hoặc đặt câu hỏi để học sinh thảo luận. Học sinh nào trả lời tốt sẽ cộng điểm nhằm khuyến khích tinh thần học cho các em”. Với cách dạy trên, những tiết học sử của cô Phượng luôn tạo được không khí sôi nổi, học sinh rất hứng thú, chăm chú lắng nghe và thuộc bài nhanh trên lớp.

 “Dân ta phải biết sử ta”

Đặc biệt, khi môn lịch sử được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, cô Phượng liền đổi mới phương pháp giảng dạy giúp học sinh có thể nắm bắt được các kiến thức để có kết quả cao trong kỳ. Kết quả, điểm thi môn lịch sử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 các lớp ở trường mà cô phụ trách đạt điểm trên mức bình quân của tỉnh. Bên cạnh đó, cô Phượng đã nỗ lực bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi môn lịch sử của trường đạt được nhiều thành tích đáng kể. Mặc dù là trường huyện nhưng 3 năm (2014 – 2017) liền, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử. Để có được thành quả đó, cô Phượng đã kịp thời phát hiện những học sinh có năng khiếu, yêu thích môn lịch sử để bồi dưỡng sớm. Đồng thời, không ngừng tìm tòi nguồn tài liệu, thường xuyên rèn luyện đề thi học sinh giỏi cho các em. “Tôi luôn tâm đắc câu nói của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”. Là một giáo viên dạy lịch sử, tôi luôn có gắng hết sức mình để truyền thụ kiến thức lịch sử cho học sinh. Với mong muốn góp một phần nhỏ trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của nước nhà”, cô Phượng cho biết.

Với những nỗ lực cống hiến trong nghề giáo, năm 2014 cô Phượng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và hàng năm luôn thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2015, cô được Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình tặng thư khen về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 4 năm (2011 – 2014). Năm 2016 – 2017 cô được Sở Giáo dục - Đào tạo tặng giấy khen chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người “truyền lửa” môn lịch sử cho học sinh