Theo dõi trên

Năm học 2017 - 2018: Vì sao hơn 45% trường học chưa có phòng y tế?

19/09/2017, 09:11 - Lượt đọc: 12

BT- Phát triển y tế học đường và nâng cao hiệu quả bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh là giải pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em vững bước vào tương lai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay BHYT học sinh đạt còn thấp so với yêu cầu, trong đó có nguyên nhân cơ bản là việc chăm sóc học sinh ở y tế học đường còn nhiều vướng mắc. Hiện hơn 45% trường vẫn chưa có phòng y tế.

                
Tiết học đầu năm.

Y tế học đường - nhu cầu bức thiết

Vào năm học mới toàn tỉnh có hơn 33.429 học sinh. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, vì vậy cần được chú trọng giáo dục, rèn luyện giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong đó, y tế trường học đóng vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển của học sinh. Ngày 12/5/2016 Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13 quy định cụ thể nội dung của y tế học đường bao gồm điều kiện về phòng học, bàn ghế, ánh sáng, vệ sinh môi trường; điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh. Tại Bình Thuận ngày 3/2/2017 UBND tỉnh có Văn bản số 351 tiếp tục chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp biên chế nhân viên y tế học đường, ký hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất bố trí biên chế nhân viên y tế học đường tại trường học như sau: Trường bán trú, trường nội trú và trường cách xa trạm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh từ 3km trở lên. Đối với các trường còn lại ký hợp đồng với trạm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Căn cứ vào số học sinh trên địa bàn xã, phường, thị trấn của các trường để xem xét giao thêm biên chế cho các trạm y tế xã, phường bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh. Đối với nhân viên y tế trong biên chế có trình độ điều dưỡng trung cấp thì thực hiện rà soát, sắp xếp chuyển vị trí công tác phù hợp; thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ các trường hợp có nguyện vọng; mở lớp đào tạo chuyển đổi điều dưỡng trung cấp sang trung cấp y sĩ. Sau khi rà soát, sắp xếp lại nếu nhân viên y tế học đường trong biên chế chưa đủ để bố trí đối với các loại hình trường thì cho phép các trường hợp đồng nhân viên y tế trình độ trung cấp y sĩ để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường…

Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 31.981 học sinh đang học tại 594 trường học các cấp. Trong đó, số trường đủ điều kiện để bố trí y tế học đường là 300 trường, chiếm tỷ lệ 54,64%. Nhưng sau khi rà soát, sắp xếp có 83 nhân viên y tế có trình độ trung cấp y sĩ; 221 nhân viên y tế có trình độ trung cấp điều dưỡng; 198 trường đã ký hợp đồng với trạm y tế để chăm sóc sức khỏe học sinh (còn 141 trường chưa ký hợp đồng).

 Vướng mắc và bất cập

Qua cuộc khảo sát lấy ý kiến về nhân lực y tế học đường mới đây của ngành giáo dục - đào tạo cho thấy: Hiện nay số trường có nhân viên y tế chỉ chiếm 46,63%; số trường không có nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Số nhân viên có trình độ điều dưỡng trung cấp chiếm hơn 60%, đang đáp ứng khá tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng ngừa dịch bệnh trong trường học… nhưng không đủ điều kiện về chuyên môn theo quy định của BHXH Việt Nam. Trên thực tế thời gian qua nhiều trường đã ký hợp đồng với trạm y tế địa phương cũng đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, trong một xã, thị trấn chỉ có một trạm y tế, nhưng lại có rất nhiều trường học (mầm non, tiểu học, trung học). Do đó, khi học sinh xảy ra tai nạn thì nhân viên y tế của trạm không có mặt ngay để xử lý, vì trạm y tế còn phải thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Vì thế, trạm y tế không đủ nhân lực để thường xuyên có mặt tại trường. Mặt khác, khi nhân viên y tế không được biên chế trong nhà trường thì rất khó tuyển dụng được người có chuyên môn phụ trách y tế. Do không “danh chính, ngôn thuận” nên trường khó tuyển được nhân viên đúng chuẩn. Ngoài ra, nhà trường phải lấy kinh phí từ khoản trích phần trăm BHYT học sinh để trả lương cho nhân viên y tế nên việc đầu tư trang thiết bị cho phòng y tế trường học không được cải thiện; tủ thuốc không đa dạng và không đáp ứng được yêu cầu cấp cứu kịp thời, phòng dịch trong nhà trường. Đối với y tế trường học cấp THPT (26 đơn vị) hiện chỉ có 13 trường đã ký được hợp đồng, còn 13 trường chưa ký được hợp đồng chăm sóc sức khỏe do chưa có mẫu hợp đồng chung; chưa có sự thống nhất về kinh phí trích chuyển, thời gian có mặt của nhân viên y tế tại trường… Do vậy, năm học 2015 -2016 chỉ có 8/26 trường nhận được kinh phí trích chuyển; năm học 2016 - 2017 chỉ có 14/26 trường nhận được kinh phí trích chuyển từ BHXH chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Các đơn vị không nhận được kinh phí chủ yếu do nhân viên y tế trường học có trình độ điều dưỡng trung cấp và chưa ký được hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh.

 Giải pháp tháo gỡ

Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là nhu cầu cấp thiết và không thể thiếu trong các đơn vị trường học. Vì vậy, các ngành liên quan cần có biện pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để tăng số trường có y tế học đường. Trong đó, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung biên chế cho các trạm y tế xã, phường để bảo đảm đủ nhân lực ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đồng thời, sắp xếp, bố trí lại nhân viên y tế phù hợp; tổ chức đào tạo nhân viên trung cấp điều dưỡng sang trung cấp y sĩ; mặt khác, tuyển chọn số giáo viên dôi dư đào tạo nhân viên y tế có trình độ trung cấp y sĩ; điều chuyển nhân viên y tế trong biên chế cho các trường đủ điều kiện bố trí y tế trường học và hợp đồng nhân viên y tế có trình độ trung cấp y sĩ để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường; tiếp tục hợp đồng với các trạm y tế đủ nhân lực để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho học sinh…

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm học 2017 - 2018: Vì sao hơn 45% trường học chưa có phòng y tế?