Theo dõi trên

Mô hình trường học mới (VNEN): Rằng hay thì thật là hay, nhưng…

23/08/2017, 10:23 - Lượt đọc: 138

BT- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), nhiều địa phương, nhà trường đã tổ chức tốt phương thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm (mô hình trường học mới). Theo đó, nhiều trường đã chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học - đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo phương thức dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực. Song, thực tế vẫn còn những bất cập về phòng học và sĩ số lớp học, năng lực - trách nhiệm của giáo viên, kinh phí để thực hiện mô hình, khả năng của học sinh… Đó là chưa nói đến một số trường còn chưa nhận thức đúng về mô hình trường học mới nên triển khai thực hiện chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. 

                
Ảnh: Đ.Hòa

Bình Thuận thực hiện mô hình trường học mới như thế nào?

Năm học 2016 - 2017, Bình Thuận có 277 trường tiểu học, trong đó có 15 trường thực hiện mô hình VNEN trong vùng dự án, ngoài ra còn phát triển thêm 74 trường tiểu học nhân rộng mô hình VNEN toàn phần. Áp dụng mô hình này, học sinh đã xây dựng được thói quen tự quản, được rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, đặc biệt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, chia sẻ. Theo đánh giá của Sở Giáo dục vàđào tạo Bình Thuận, việc thực hiện mô hình VNEN, không chỉ mang đến kiến thức, rèn kỹ năng sống mà còn hình thành năng lực - phẩm chất cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học, trong trường học, ngoài trường học. Không khí lớp học sinh động, thân thiện. Lớp học trang trí đẹp, có tác động tích cực đến việc học tập của học sinh. Giáo viên đã thực hiện vai trò của người tổ chức, người điều khiển học sinh hoạt động. Các hoạt động học tập, giáo dục diễn ra nhẹ nhàng, gắn liền với thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng sống cho học sinh. Học sinh thực sự là người chủ động, thực sự là trung tâm của mọi hoạt động; học sinh biết hợp tác với bạn trong nhóm, giao lưu học hỏi với bạn nhóm khác; biết tự chiếm lĩnh kiến thức, mô tả - trình bày, tự giải quyết vấn đề; biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình VNEN cho thấy nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ. Một cô giáo tiểu học đã từng áp dụng mô hình này trong 2 năm học, cho biết: “Giáo viên thực hiện mô hình này vẫn có không ít những trăn trở, đó là sĩ số lớp học 35 em/lớp là quá đông, chỉ nên duy trì 25 em/lớp thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng. Đặc biệt là chất lượng học sinh không đồng đều cũng là cái khó đối với giáo viên. Bởi để giúp các em có học lực yếu và trung bình yếu hòa nhập, theo kịp các em có học lực khá hơn thì đòi hỏi giáo viên phải rất vất vả, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, thu nhập của giáo viên dạy theo mô hình VNEN và giáo viên dạy lớp bình thường đều như nhau”.

Thành phố Phan Thiết có 8 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới, trong đótrường tiểu học Tiến Lợi thực hiện mô hình VNEN theo dự án từ năm học 2012 - 2013, còn lại 7 trường tiểu học khác được phát triển mở rộng mô hình này (không thuộc dự án) đó là Hưng Long 1, Mũi Né 4, Phú Trinh 1, Bắc Phan Thiết, Bình Hưng, Mũi Né 1 và Hưng Long 2. Nói về thực hiện mô hình trường học mới, bà Nguyễn Thị Bội Nhu - Phó Phòng Giáo dục và đào tạo TP. Phan Thiết cho rằng, về cơ bản, mô hình VNEN mang lại những hiệu quả nhất định. Giúp các em có được năng lực tự học, tự tổ chức, phát huy được vai trò tự quản, vì vậy các tiết học trở nên sôi nổi hơn. Cái được nữa là giáo viên rất có trách nhiệm, luôn nỗ lực, sáng tạo. Mặc dù vậy, quá trình thực hiện vẫn có những cái khó, nhất là kinh phí để thực hiện mô hình này. Những lớp nằm trong dự án thì có kinh phí đầu tư khá tốt. Những lớp thuộc diện phát triển mở rộng (không nằm trong dự án) thì có kinh phí 50 triệu đồng/trường, từ nguồn ngân sách của địa phương. Nhưng hiện nay nguồn kinh phí cũng đang gặp khó khăn, chậm thanh toán. Riêng các trường nằm trong dự án cũng không còn được cấp kinh phí. 

Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo

Ngày 8/8/2017 Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục cócông văn số 3459 gửi các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học mới tại địa phương năm học 2017 - 2018.

Bộ Giáo dục vàđào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường tiểu học và THCS rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương. Theo đó, về giáo viên và cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp theo quy định đối với từng cấp học; có kỹ năng thiết kế bài học và tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học và học liệu phù hợp để tổ chức hoạt động học của học sinh đạt hiệu quả thiết thực, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Cán bộ quản lý hiểu rõ, nắm chắc phương thức dạy học theo mô hình trường học mới; có cán bộ quản lý chuyên trách chỉ đạo, theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai phương thức dạy học mới. Phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phải đảm bảo sĩ số lớp học theo quy định tại Điều lệ nhà trường đối với từng cấp học: cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp. Phòng học đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn quốc gia, có đủ các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Sách và tài liệu hướng dẫn dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện phương thức dạy học mới, đã được Bộ Giáo dục và đào tạo thẩm định, cho phép sử dụng.

Bộ Giáo dục vàđào tạo yêu cầu kết quả rà soát, đánh giá được gửi về Sở Giáo dục và đào tạo để theo dõi, chỉ đạo: các trường đủ điều kiện tiếp tục thực hiện, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; đối với các trường chưa đủ điều kiện thì chưa áp dụng hoàn toàn mô hình để tiếp tục chuẩn bị, trước mắt lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, có giải pháp phù hợp để học sinh có nguyện vọng được tiếp tục học theo phương thức dạy học mới.

Theo kiến nghị của nhiều giáo viên, chương trình VNEN đang có nhiều dư luận trái chiều, vì vậy Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải dứt khoát trong chủ trương thực hiện để có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành. Đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác truyền thông về cái hay của mô hình này nhằm tạo sự yên tâm đối với phụ huynh cũng như đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Quang TuẤn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trường học mới (VNEN): Rằng hay thì thật là hay, nhưng…