Theo dõi trên

Mô hình trường học mới đáp ứng với đổi mới giáo dục

17/09/2019, 16:28 - Lượt đọc: 132

BTO- Mô hình Trường học mới (gọi tắt là VNEN) được triển khai thực hiện ở 2 trường tiểu học tại huyện Hàm Thuận Bắc từ năm học 2012- 2013. Đến nay toàn huyện phát triển thêm 7/39 trường tiểu học thực hiện mô hình này. Các trường còn lại, mặc dù không thực hiện mô hình VNEN, nhưng đã vận dụng yếu tố tích cực của mô hình để giảng dạy.

Việc từ dạy học theo lớp, sang dạy học theo nhóm đã được dư luận, phụ huynh đặc biệt quan tâm. Có người đồng tình, có người chê, thậm chí phản ứng... Họ cho rằng hình thức học nhóm của mô hình VNEN nhưng nội dungthực hiện theo chương trình giáo dục hiện hành, khác gì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”; học nhóm dễ làm cho học sinh vẹo cổ, vẹo cột sống; học nhóm chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi, học sinh yếu kém càng yếu kém thêm; cấp 2, cấp 3 không học thì tiểu học học nhóm làm gì; lớp học lúc nào cũng ồn ào, mất trật tự… 

Hình thức dạy học theo lớp không còn phù hợp

Việc giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức cho người học như từ trước đây ngành giáo dục thực hiện đã trở nên lạc hậu so với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay theo tinh thần NQ 29. Hình thức tổ chức lớp học theo kiểu 30- 40 em học sinh ngồi hướng mắt về bảng đen, lắng nghe và ghi chép những kiến thức thầy cô giảng; về nhà học thuộc lòng các nội dung kiến thức đó, làm bài tập đầy đủ theo yêu cầu giáo viên. Học sinh không nói khác, không làm khác, không suy nghĩ khác những điều ghi trong sách vở và lời thầy cô giảng. Học sinh chỉ thụ động tiếp nhận và hầu như không có cơ hội tham gia vào tiến trình khám phá bài học, nêu lên những phát hiện, suy nghĩ của riêng cá nhân mình.

Mô hình VNEN bên cạnh những hạn chế, vẫn có nhiều ưu điểm phù hợp, đáp ứng mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới hiện nay.

 Đó là học sinh không phải ngồi một chiều, hướng về bảng đen và giáo viên mà ngồi xoay quanh từng nhóm nhỏ. Mỗi lớp có từ 4 - 6 nhóm tùy theo sĩ số học sinh; mỗi nhóm có từ 5- 6 em ngồi giáp mặt với nhau để dễ trao đổi, thảo luận, tăng cường sự tương tác. Trong cùng nhóm, giáo viên phải bố trí các học sinh đa dạng về học lực yếu - kém, trung bình, khá - giỏi để hỗ trợ lẫn nhau. Trong mỗi nhóm chọn ra một Trưởng nhóm. Tùy điều kiện, giáo viên có thể linh hoạt cho nhóm chọn các thành viên khác luân phiên làm Trưởng nhóm để tập điều hành nhóm hoạt động.

                
      
      Một lớp học theo mô hình Trường học mới (VNEN) tại Trường Tiểu học    Hàm Thắng 1, huyện Hàm Thuận Bắc.

Hình thức tổ chức học nhóm nêu trên tạo môi trường rất tốt để thực hiện mục tiêu xây dựng năng lực “Giao tiếp và hợp tác”, “Tự học và giải quyết vấn đề”. Giáo viên giao việc: ra bài tập, đặt vấn đề… cho nhóm để các em tự trao đổi, thảo luận, tự tìm ra kết quả giải đáp cho nhóm mình. Các em khá giỏi, mạnh dạn tự tin sẽ có điều kiện phát triển khá giỏi hơn. Các em có học lực yếu kém, thiếu mạnh dạn trong giao tiếp, ít tham gia thảo luận với các bạn trong nhóm sẽ có cơ hội tiếp cận việc thảo luận của các bạn khá, giỏi khác trong cùng nhóm. Nếu các em quá nhút nhát, thiếu tự tin, không tham gia được vào hoạt động của nhóm, giáo viên sẽ là người theo dõi trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn các em từng bước xóa đi nổi sợ hãi đó. Việc hướng dẫn các em học yếu được thực hiện theo các mức từ dễ đến khó, từ các đơn vị kiến thức đơn giản, nhận diện được ngay, cho đến việc gợi mở những kiến thức, vấn đề cần có tư duy lô gic, phức tạp hơn để các em nhập cuộc, tương tác với bạn, với lớp, với giáo viên để từng bước hình thành yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của mình.

Đối với việc tổ chức cho các em luân phiên làm nhóm trưởng, đây là điều kiện để xây dựng năng lực “Tự phục vụ, tự quản”, “Tự tin, trách nhiệm”… cho học sinh. Các em có học lực khá, giỏi, mạnh dạn, tự tin thì việc làm nhóm trưởng không khó khăn gì. Đối với những em học lực yếu kém, nhút nhát, rụt rè sẽ gặp khó khăn lúc ban đầu. Khó nhưng cũng phải tập các em làm. Có thể giáo viên giao cho các em làm Trưởng nhóm trong vài ngày, một tuần… Hoặc có thể làm Trưởng nhóm điều hành trong những tiết học dễ nhất để tập các em quen dần, hóa giải từng bước nổi sợ hãi ban đầu, hình thành sự tự tin trong quản lý, điều hành hoạt động của nhóm.

Học sinh mạnh dạn, sáng tạo, tự tin hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, học theo mô hình VNEN chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi. Học sinh yếu kém càng yếu kém hơn là không đúng. Ngược lại chỉ có học theo nhóm, học sinh yếu kém mới có cơ hội hình thành sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và phát triển năng lực của mình; các em có cơ hội hợp tác, chia sẻ, đoàn kết yêu thương...

Khi đã hình thành năng lực và phẩm chất theo yêu cầu cần đạt ở cấp tiểu học thì lên cấp THCS, THPT dù không học theo mô hình VNEN, không học theo nhóm, các em cũng đủ tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn trình bày ý kiến, thể hiện mình trước tập thể, và việc tiếp thu kiến thức mới của cấp học cao hơn sẽ được thuận lợi. Do đó có ý kiến của phụ huynh cho rằng, cấp 2, cấp 3 không học nhóm thì tiểu học học làm gì, hoặc khi lên lớp 6 học lại hình thức cũ các em không theo kịp bạn bè là không có cơ sở, nếu cócũng chỉ là trường hợp cá biệt.

Thực tế những năm qua cho thấy, quá trình tổ chức học mô hình VNEN và tổ chức học nhóm đại trà, phần lớn giáo viên cho biết phong trào học tập và rèn luyện toàn diện của học sinh ngày càng tiến bộ, kỷ cương nền nếp có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục ngày được nâng lên vững chắc, đảm bảo theo chuẩn kiến thức và kỹ năng cần đạt. Thực hiện việc học nhóm, học sinh hứng thú hơn, có cơ hội sáng tạo, chủ động phát huy tốt hơn các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, đánh giá, nhận xét lẫn nhau… Qua đó từng bước xây dựng, hình thành và phát huycái tôi (bản ngã) của mỗi cá nhân. Do đó không có tình trạng học theo mô hình Trường học mới chỉ tiếp nhận kiến thức cơ bản, mà không cung cấp kiến thức nâng cao như chương trình hiện hành là không đúng.

LÊ ĐÔNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trường học mới đáp ứng với đổi mới giáo dục