Theo dõi trên

Loanh quanh chuyện đổi mới thi

10/01/2020, 16:46 - Lượt đọc: 0

BT- Hôm chủ nhật, gặp anh em trong quán cà phê, họ nói, “thời gian trôi đi nhanh quá”, tiếng trống khai trường mới thoáng một cái mà nay đã sơ kết học kỳ I. Tết xong lại tập trung toàn bộ vào chuyện thi. Một thầy xoay qua nói với tôi, Bộ Giáo dục - Đào tạo đi nghiên cứu khắp nơi, cứ liên tục đổi mới thi cử, bây giờ mới tạm ổn định. Hỏi tạm ổn định là như thế nào? Anh nói cơ bản tổ chức ra đề và cách thi như năm ngoái.

                
Ảnh minh họa

 Băn khoăn một nỗi với thầy

Nghe quý thầy trao đổi, tôi nhớ lại 2, 3 năm về trước, từ bộ trưởng đến các chuyên gia của bộ dẫn đoàn đi tham quan, nghiên cứu, học tập nhiều nước ở Đông Âu – thấy lãnh đạo bộ tỏ ra lưu tâm khá đặc biệt về nền giáo dục của Phần Lan – nền giáo dục tiên tiến đứng vào tốp đầu giáo dục thế giới, để rút kinh nghiệm, về nước vận dụng đổi mới trong giảng dạy, đào tạo, đổi mới thi cử. Tôi hỏi, sao vừa rồi anh nói là “tạm ổn” là sao. Anh cười, vì còn một số vấn đề thấy chưa hợp lý, nhưng bộ chỉ đạo thì phải làm theo thôi. Hỏi cụ thể vấn đề gì? Anh nói, bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, bộ đổi mới cách ra đề và tổ chức thi, trong đó có 2 bài thi tổ hợp (tổ hợp khoa học tự nhiên gồm 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học; bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và cách tính điểm xét tốt nghiệp thi môn tổ hợp. Nghĩa là mỗi thí sinh làm bài kỳ thi THPT quốc gia là 6 môn (3 môn bắt buộc, quy định chung: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 3 môn bài tổ hợp), trong khi đó, 3 môn đề thi tổ hợp, về nội dung kiến thức để học ôn thi những môn này cũng như những năm trước khi chưa đổi mới cách thức ra đề thi môn tổ hợp, nhưng nay ra đề thi tổ hợp, khi cộng điểm xét tốt nghiệp thì 3 môn này (trong đề thi tổ hợp) chỉ tính 1 cột điểm. Ngược lại, khi xét điểm tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thì lại tách từng môn trong bộ đề thi tổ hợp để quyết định điểm tuyển sinh. Cũng cùng một con điểm của một thí sinh như thế, nhưng xét cho 2 (tốt nghiệp và tuyển sinh) lại có cách tính khác biệt, vênh nhau quá lớn, nên thấy chưa thật hợp lý. Hơn nữa, lấy điểm của cách ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng cũng còn là vấn đề cần phải xem lại. Vừa rồi, gặp mấy giảng viên đại học nói, khoa hóa của họ năm rồi tuyển những học sinh điểm đầu vào môn hóa học khá cao, nhưng khi vào học, họ thất vọng, bởi những em ấy không cân bằng nổi một phản ứng hóa học đơn giản. Nói đến đây thì anh cười, không chỉ riêng môn hóa học đâu, với cách học và thi trắc nghiệm khách quan như thế này thì kết quả thi tuyển sinh môn nào cũng vậy. Anh nhìn tôi, không biết bộ mình nghiên cứu cách ra đề thi của nước nào để vận dụng, hay tự sáng tạo ra như vậy.

 Làm theo nhưng khác

Tình cờ sáng nay, một thầy giáo tặng tôi cuốn sách, anh bảo cuốn này có nhiều vấn đề về giáo dục khá hay. Bản thân tôi mỗi khi nghe giới thiệu sách báo, tài liệu viết về giáo dục có vấn đề hay lại tìm đọc cho được. Đọc xong, tôi bất ngờ, liền gọi cho thầy giáo nói chuyện hôm trước, hỏi anh đã đọc cuốn “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt”(1) của Doãn Kiến Lợi chưa? Anh bảo chưa. Tôi nói tìm đọc đi, sẽ rõ chuyện anh thắc mắc về hình thức ra đề thi môn tổ hợp.

Đây là hình thức ra đề thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng cách ra đề thi của Trung Quốc. Các kỳ thi tuyển sinh vào đại học chính quy của Trung Quốc diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Từ năm 2011,  các môn thi đại học bao gồm: 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh và 1 môn thi tổng hợp. Khối tự nhiên thi tổng hợp 3 môn vật lý, hóa học, sinh học, khối xã hội thi tổng hợp 3 môn chính trị, địa lý, lịch sử. Ở Việt Nam, đến năm 2017 (6 năm sau) thì cách ra đề và thi theo môn tổ hợp cũng giống như ở Trung Quốc. Nhưng cách tính điểm xét tuyển ở Trung Quốc có khác hơn ở Việt Nam: 3 môn bắt buộc điểm tối đa mỗi môn là 150 điểm, môn tổng hợp tổng điểm là 300. Như vậy điểm thi đại học tối đa của một thí sinh là 750 điểm. Thông thường, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa có điểm đầu vào ở khoảng trên dưới 600 điểm tùy theo từng khoa(2). Sau khi đọc được cuốn sách, anh bạn thầy giáo ấy gọi ngược lại cho tôi, nói như reo lên: Hóa ra là vậy.

Võ Nguyên

(1): Doãn Kiến Lợi, “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt”, Trần Quỳnh Hương dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2019; (2): Trang 594 – sách đã dẫn.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loanh quanh chuyện đổi mới thi