Theo dõi trên

Lan tỏa ý thức học tập suốt đời

01/10/2019, 15:14

BTO- Tự học và học suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và chính Người là tấm gương sáng ngời để mọi người noi theo. Người chỉ rõ: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học hỏi ở nhân dân”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”.

Theo Bác, “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, trong đó đặc biệt phải coi trọng phương pháp tự học, “lấy tự học làm cốt”. Và chính Bác đã tự mình nêu một tấm gương mẫu mực về tự học và học suốt đời; Người tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, “học trong đời sống của mình,... học ở giai cấp công nhân”, kể cả khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, để làm chủ được tri thức, làm phong phú sự hiểu biết của mình và có đủ trí tuệ lãnh đạo đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời là di sản vô giá, tạo động cơ thôi thúc mọi người, mọi đối tượng đều ham học và học suốt đời. Tư tưởng của Bác về học suốt đời hết sức phù hợp với khuyến nghị của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”.Cả bốn con đường kiến thức trên là một thể thống nhất, bởi vì có rất nhiều mối quan hệ liên hệ và tác động giữa chúng với nhau. 

Theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, phấn đấu đến năm 2020, 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, trong đó tổ chức nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước về việc thúc đẩy các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, đề xuất các mô hình, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức, các chuyên gia,các nhà khoa học về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong cả nước. Theo đó, các hoạt động tại các địa phương diễn ra từ ngày 1 - 7/10/2019. Đây là là hoạt động được tổ chức hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.Chủ đề của Tuần lễ năm 2019 do các địa phương lựa chọn. Bộ GD và ĐT gợi ý một số chủ đề sau: Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại; Tự học để phát triển năng lực và phẩm chất; Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập; Phát triển thói quen đọc để trở thành người học suốt đời.

Năm 2019, nhiều địa phương trong tỉnhBình Thuận tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, với chủ đề ‘Học tập suốt đời - Học tập thông minh để trở thành công dân tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh”.

Học tập thường xuyên, học tập suốt đời hướng đến xây dựng một xã hội học tập là niềm mong mỏi và cố gắng chung của toàn xã hội mà trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, lực lượng thanh thiếu niên, đoàn viên thanh niên hiện nay cần được quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa hướng đến xây dựng nền tảng nhân cách và đạo đức cho thế hệ trẻ - nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa ý thức học tập suốt đời