Theo dõi trên

La Gi: Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế

04/12/2018, 09:32

BT- Thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), thị xã La Gi đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên La Gi (trung tâm) tăng cường phối hợp với các xã, phường tiến hành tổ chức khảo sát, điều tra nguồn nhân lực trên địa bàn; nhu cầu học nghề của lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài thị trường. Từ đó, xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển sinh và mở các khóa đào tạo nghề cho người lao động.

                
Nghề may công nghiệp thu hút nhiều học viên    tại thị xã La Gi.

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, thị xã tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT được 12 lớp với 264 học viên, đạt 88% so với kế hoạch năm. Các nghề thu hút nhiều học viên theo học nhất là may công nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng và pha chế thức uống, dinh dưỡng và nấu ăn. Trong năm qua, trung tâm tiếp tục ký kết hợp đồng phối hợp đào tạo nghề may công nghiệp với Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè. Nhờ đó, người lao động được tiếp cận nhanh nhất công việc sẽ làm và sau khi học xong, 100% học viên đều được ký hợp đồng làm việc tại Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè. Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động đã nắm nghề và có được công việc, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thị xã La Gi vẫn gặp một số khó khăn nhất định; một số xã, phường ban hành kế hoạch đào tạo nghề còn chậm. Trong 10 tháng năm 2018, có 4 phường, xã chưa mở lớp đào tạo nghề nào là Tân Thiện, Tân Phước, Tân Hải và Bình Tân. Một số xã, phường chưa phối hợp chặt chẽ khi xây dựng kế hoạch, định hướng đào tạo nghề để phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Do đó, tỷ lệ đào tạo nghề cho LĐNT còn thấp so với cùng kỳ năm 2017, UBND thị xã phải xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu từ 500 xuống 300 học viên. Quá trình phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể từ thị xã đến xã, phường với trung tâm còn thiếu chặt chẽ, chưa đi vào chiều sâu.

Thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo trung tâm tăng cường việc chiêu sinh mở lớp theo nhu cầu đăng ký của các xã, phường, liên kết đào tạo phấn đấu đạt kết quả đào tạo nghề theo chỉ tiêu của thị xã và tỉnh giao sau khi được điều chỉnh. Đồng thời, trung tâm cần phối hợp với xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân tích cực tham gia học nghề. Tiếp tục nâng cao hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên ở các xã phường thông qua các buổi họp dân, bằng hệ thống loa phát thanh, tư vấn trực tiếp đến các hộ dân có nhu cầu học nghề. Tập trung các nghề phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã như may công nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng và pha chế thức uống, dinh dưỡng và nấu ăn…

Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, trung tâm cần nghiên cứu để mở rộng các ngành nghề với quy mô phù hợp nhằm giúp người lao động qua đào tạo tìm kiếm được việc làm. Thực hiện quyết liệt và đồng bộ giải pháp chuyển mạnh hình thức đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động.

 KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế