Theo dõi trên

La Dạ:Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

03/10/2018, 08:56

BT- Thực hiện chủ trương “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Trường mẫu giáo La Dạ (Hàm Thuận Bắc) đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tạo cho trẻ gần gũi với cuộc sống, môi trường ở cơ sở... 

Chơi mà học

La Dạ là xã miền núi với hơn 90% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào người K’ho là chủ yếu. Với phương châm “Hãy dành cho trẻ những gì tốt đẹp nhất”, ngay từ năm học 2016 - 2017, Trường mẫu giáo La Dạ nhanh chóng tiếp cận và triển khai chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm.

Cô Đoàn Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo (MG) La Dạ cho biết: Việc tạo cơ hội cho trẻ học tập và vui chơi, giúp trẻ khám phá, sử dụng các giác quan, hòa mình vào thế giới tự nhiên là điều cần thiết để trẻ phát triển. Tuy bước đầu có nhiều bỡ ngỡ, nhưng các cô rất nỗ lực để trẻ vùng cao được tiếp cận môi trường học tập không thua kém vùng đồng bằng. Hiện Trường MG La Dạ có 3 cơ sở, nhưng có điểm chung là đều được tận dụng hết khuôn viên sân trường để bố trí khu vực chơi ngoài trời phù hợp, thuận tiện cho trẻ trải nghiệm. Ngoài những đồ chơi hiện đại được ngành giáo dục và mạnh thường quân hỗ trợ như cầu trượt, xích đu, bập bênh, nhà banh, đu quay... Ban giám hiệu luôn khuyến khích giáo viên thiết kế, làm đồ dùng dạy học. Tại khu phát triển thể chất ở điểm chính và 2 điểm lẻ thuộc thôn 3, thôn 4 những cổng chui, thang leo, cầu thăng bằng, bao cát đều được làm từ nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Tất cả đồ chơi học liệu đảm bảo không có vật sắc nhọn, độc hại, được vệ sinh sạch sẽ và bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời.

Tận dụng một góc sân chơi nhỏ, các cô còn thiết kế cho trẻ khu vực chơi an toàn giao thông, khu “vườn rau của bé”, đặc biệt có khu “hàng nông sản địa phương”. Đây là nơi trưng bày các loại nông sản: đậu đen, đậu xanh, bắp, khoai mì, khoai lang, lúa con, gạo… để trẻ chơi trò bán hàng. Sau những giờ chơi, các em được hướng dẫn rửa mặt, rửa tay, chân bằng xà phòng dưới vòi nước trước khi vào lớp.

Chị K’Thị Thương chia sẻ: Sau 1 năm tới trường, con gái chị dạn dĩ hơn hẳn, biết nói cảm ơn, tự giác thực hiện vệ sinh cá nhân hằng ngày, tăng cân hàng tháng, nên rất yên tâm.  

100% trẻ dân tộc thiểu số biết nói tiếng Việt

Cô Liễu thông tin thêm: Nhiệm vụ lớn nhất mà ngành giáo dục đặt ra cho chúng tôi là tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Trường  MG La Dạ đa số học sinh là người dân tộc thiểu số nên các cô luôn chú ý đến việc tăng cường tiếng Việt cho các em ở mọi lúc mọi nơi. Cụ thể đưa các câu chuyện của người K’ho đã được dịch sang tiếng Việt vào giảng dạy. Sau đó hệ thống lại và gợi ý trẻ trả lời câu hỏi theo nội dung câu chuyện, sửa phát âm cho trẻ những từ khó. Hoặc trong các tiết âm nhạc, cô giáo đánh đàn dạy trẻ hát, chỉnh sửa những vần điệu, âm điệu luyến, láy sai, rồi yêu cầu các em hát lại.

Tại sân chơi, trường còn bố trí một góc “Bé với tiếng Việt”. Sân chơi này gồm có góc truyền thống mang tên “Tuổi thơ của bé”. Đó là ngôi nhà sàn - nơi trưng bày các nhạc cụ dân tộc như đàn tơ rưng, cồng chiêng, sáo trúc, trang phục dân tộc, dụng cụ nhảy sạp, chuông gió được làm từ ống tre, nứa, bộ gõ âm nhạc được làm từ ca inox cũ… Và góc thư viện thân thiện gồm những bộ bàn ghế được làm từ bánh xe cũ, khúc gỗ, dây thừng để ngồi vẽ, nặn theo ý thích, thi kể chuyện, đóng vai nhân vật trong truyện... giúp các em phát âm tiếng Việt đúng, rõ ràng, mạch lạc.

Trong 18 giáo viên đứng lớp có 3 cô là người địa phương nên hiểu rõ phong tục, hoàn cảnh và tiếng nói của người K’ho. Vì thế với những trẻ mới lần đầu tới trường, chưa nói được tiếng Việt, các cô sẽ thường xuyên trò chuyện và trao đổi song song hai ngôn ngữ để các em làm quen, mạnh dạn hơn. Nhờ cách làm như vậy mà đến cuối năm học, 100% học sinh của trường nói tiếng Việt lưu loát.

    
       “Hơn 2 năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm   trung tâm cho thấy chương trình rất phù hợp tại xã vùng đồng bào dân tộc   thiểu số La Dạ. Kích thích trẻ ham thích đến trường, trẻ 5 tuổi ra lớp   đạt 100%, tỷ lệ trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp đều tăng hàng năm. Đặc biệt trẻ   ngày càng tự tin, mạnh dạn, linh hoạt, khéo léo trong tất cả các hoạt   động”, cô Đoàn Thị Liễu nói.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Dạ:Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm