Theo dõi trên

Không công bố đề thi và đáp án để tránh tình trạng ôn thi theo bộ đề

15/01/2017, 10:12 - Lượt đọc: 12

Đó là câu trả lời của ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm để thí sinh tham khảo, đối chiếu kết quả làm bài như những năm trước.

Chủ trương này của Bộ khiến dư luận xã hội băn khoăn về tính khách quan và độ chính xác của đề thi, đáp án bài thi trắc nghiệm, còn thí sinh cũng không biết là mình làm đúng hay sai, sai như thế nào để rút kinh nghiệm.

Trả lời phỏng vấn của PV VOV, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc Bộ không công bố đề thi và đáp án các môn thi là phù hợp với phương thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; đồng thời tránh được tình trạng học sinh chỉ tập trung vào ôn thi theo bộ đề.

                
      
      Bộ    Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc    nghiệm  trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Thưa ông, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm?

Ông Sái Công Hồng: Trong quá trình xây dựng phương án thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nói về phương thức thi trắc nghiệm này sử dụng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng. Tức là trong đề thi của các em gần như các câu hỏi khác nhau. Ở một số tổ chức dùng bài thi chuẩn hóa thì đều không công bố đề thi và đáp án sau khi thi với mục đích là bảo mật câu hỏi thi và những câu hỏi thi này được dùng lại nhiều lần trong các đợt tổ chức thi sau.

Đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo, năm nay quá trình xây dựng đề thi khác so với năm trước. Năm trước chỉ ra một đề thi thôi và đảo thành 6 mã đề, năm nara đề theo đúng quy trình công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm và cũng sử dụng các câu hỏi này cho các năm sau nữa. Vì vậy, theo khoa học về đo lường đánh giá, cũng như thông lệ quốc tế thì những bài thi chuẩn hóa, sử dụng nhiều lần thì không công bố đề thi và đáp án.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Giáo dục- Đào tạo không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm là do ngân hàng đề thi của Bộ còn quá ít, nên phải giữ bí mật để tiếp tục sử dụng cho các năm sau. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Sái Công Hồng: Không phải là vì lý do quá ít câu hỏi mà lý do chính ở đây là quy trình làm câu hỏi thi chuẩn hóa rất vất vả, từ bước đầu là phương pháp chuyên gia, cho đến mức thử nghiệm với học sinh để phân tích độ khó giữa các đề thi, cân bằng độ khó giữa các đề thi. Một đề thi của một môn học khoảng 50 câu, nếu mà 24 đề là khoảng 1500 câu. Nếu công bố 15 môn, mỗi môn 1500 câu thì một lượng câu hỏi rất lớn. Như vậy, dù các chuyên gia sản xuất liên tục cũng rất vất vả để tạo ra được một ngân hàng đề thi chuẩn hóa.

Ngoài ra, đề thi trắc nghiệm có ưu thế hơn đề thi tự luận là có khả năng bao phủ cao. Với định hướng sau này sẽ thi cả chương trình lớp 10, lớp 11, lớp 12, đề thi cũng chọn được những kiến thức trọng tâm trọng điểm. Nếu công bố toàn bộ sẽ dẫn đến hiện tượng các em chỉ tập trung ôn thi theo bộ đề, mục đích để thi thôi chứ không học toàn diện kiến thức và ảnh hưởng đến cả quá trình học tập và dạy học trong phổ thông.

Khi Bộ không công bố đề thi, xã hội cũng sẽ không thể giám sát đề thi và đáp án có sai sót hay không. Nếu bộ phận ra đề thi có sai sót về kiến thức, hoặc đưa những câu hỏi vượt quá trình độ thí sinh thì Ban soạn thảo đề thi có phát hiện được sai sót để chỉnh sửa hay không?

Ông Sái Công Hồng: Điểm khác biệt của năm nay với những năm khác trong quá trình xây dựng đề thi là xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và điều quan trọng phải làm được chính là thử nghiệm với đối tượng học sinh. Đối tượng học sinh phải được lựa chọn mẫu theo đại diện vùng miền và các em được làm câu hỏi thi.

Trên cơ sở câu hỏi thi được phân tích bằng các phần mềm khảo thí chuyên dụng sẽ phát hiện câu nào đúng, câu nào sai, đáp án nào chính xác, phương án nhiễu nào không tốt... và còn thử đề thi một lần nữa. Tức là mỗi câu hỏi thi được thử 2 lần với chính đối tượng là các em học sinh đang học phổ thông. Với cách chọn mẫu đủ lớn, với quy trình chặt chẽ thế thì tôi cho rằng khó lọt được những sai sót của những câu hỏi thi trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa năm nay.

Nhiều năm nay, thí sinh đã quen với việc so sánh, đối chiếu kết quả bài thi với đáp án của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Năm nay thí sinh sẽ không biết đã làm đúng hay sai, sai như thế nào, nên nhiều em đang rất lo lắng. Ông có lời khuyên nào cho các em?

Ông Sái Công Hồng: Thực tiễn ở Việt Nam trong những năm vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thi bài thi này và không công bố câu hỏi thi và đáp án. Ở các trường đại học được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp chứng nhận tương đương B1, B2 thì thi xong cũng không công bố đề thi và đáp án với mục đích là để sử dụng nguồn câu hỏi này nhiều lần trong những đợt thi tiếp theo.

Tôi cho rằng, đối với những học sinh có kiến thức, các em làm được những câu hỏi nào đúng có thể xác định được ngay. Còn những câu nào mà các em đoán bừa, chắc các em cũng khó có thể xác định được câu nào mình đúng.

Vâng, xin cảm ơn ông.

Minh Hường/VOV 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không công bố đề thi và đáp án để tránh tình trạng ôn thi theo bộ đề