Theo dõi trên

Khi trống khai trường

10/09/2021, 08:06

BT- Anh bạn tôi năm nay đã ngoại lục tuần, tâm sự rằng ngỡ đã gác đi được gánh nặng sự đời, thế mà vẫn chưa thoát khi tiếng trống khai trường năm học mới chuẩn bị ngân vang. Bởi thằng con trai nói, ba một đời đào tạo biết bao sinh viên, giờ họ làm quan chức từ giám đốc sở trở lên, thế mà xin cho thằng cháu nội vào lớp 1 (trường điểm trái tuyến) sao khó đến vậy. 

Nỗi niềm giãn cách

Thế là anh cứ băn khoăn đến mất ngủ. Anh bảo đời anh không thích đi xin xỏ, mà đã quy định rồi thì làm sao bắt họ phải làm ngược lại. Nếu giúp được cho mình thì làm sao giải thích với hàng trăm phụ huynh khác cũng có nhu cầu như mình! Nói với thằng con nộp hồ sơ ở trường gần nhà để đón đưa cháu đi học cho tiện, cái chính là hướng dẫn tinh thần học tập cho cháu, thế mà cả hai vợ chồng nó cứ nằng nặc phải xin cho được vào trường điểm. Chuyện ấy anh kể với tôi hồi trước hè, khi năm học chưa kết thúc. Vừa rồi tôi gọi điện hỏi anh chuyện đứa cháu giải quyết ra sao. Anh nói thời điểm này giao dịch bằng điện thoại, chứ tình hình dịch cúm có đi tới đi lui được đâu, nộp đơn nhập học ở trường cũng làm việc qua mạng cả, nên tôi bảo vợ chồng nó tự lo. Cuối cùng, nó nộp đơn cho cháu học ở trường gần nhà. Mà khu vực này đang khoanh vùng đỏ, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình nhiễm vẫn cứ tăng. Nhà trường thông báo không thể tập trung học sinh, khai giảng chỉ tổ chức trực tuyến online, học sinh ngồi nhà mở mạng ra xem. Lịch thực học lui về hạ tuần tháng 9. Cô giáo được nhà trường phân công dạy lớp cháu cũng thông báo cho phụ huynh tinh thần khai giảng xong thì dạy – học online. Anh cười trong điện thoại, đúng là mùa khai giảng có một không hai trong lịch sử. Tội nghiệp cho các cháu quá! Tôi nói lớp 1 mà học online thì khó lắm, không biết bằng cách nào! Anh nói, thế nên vợ chồng nó lại nhờ ông nội theo dõi giúp cháu học những tiết cô lên lớp trên mạng. Tôi hỏi, cháu có biết sử dụng vi tính không? Anh nói, chao ơi, tuổi các cháu bây giờ không giống như mình hơn 60 năm về trước đâu. Mấy tháng hè cha mẹ nó hướng dẫn sử dụng vi tính, mà nhanh thật, đến nay nó đã thành thạo rồi. Hôm qua, cô giáo đã hướng dẫn cho các cháu tập tiếp cận nháp 20 phút, nhưng khó khăn khác lại diễn ra, máy cứ chập chờn nghẽn mạng, đâu khoảng 5, 6 phút, bọn trẻ thoát ra ngoài gần hết. Cô nói để nhờ nâng cấp đường truyền, chứ không đến khi toàn thành phố vào zoom dạy cùng một lúc thì sẽ không tải nổi.

Tôi vừa cúp máy dừng trao đổi với anh thì nhận được tin nhắn có vẻ “dí dỏm” của cô bạn trưởng khoa ngành du lịch, rằng tình hình dạy online từ tiểu học đến đại học, sau đại học, nhà 2 vợ chồng là giáo viên, 2 con còn đang đi học, ở nhà 4 máy mở cùng lúc, vui ra phếch. Hihi… Thời điểm này trời lại hay mưa, giông gió sấm chớp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây! Tôi vào mạng tham quan một số trường tổ chức khai giảng, đúng là chỉ có sân khấu, tổ chức chào cờ, chỉ có ban giám hiệu và một ít giáo viên. Vừa thoát mạng, lại nhận được điện thoại của người thân ở quê, nói không mua được máy vi tính cho con học. Tôi nói mua loại giá rẻ thôi, khoảng triệu rưỡi… được cái laptop cho cháu học rồi. Cô nói, chạy ra tiệm hỏi, họ nói “cháy” máy, giá rẻ không còn “con” nào. Chỉ còn 2 “con” Dell i5 nhưng giá đến 10 triệu đồng, đắt quá mua sao nổi! Tôi nói tạm thời cho cháu học qua điện thoại. Cô nói điện thoại “cùi bắp” thì học gì, mà mới lớp 1 lại cho nó chúi mũi vào điện thoại thì lớn lên đôi mắt nó sẽ về đâu!

Linh hồn tiết học

Đó là những đối tượng ít nhiều có điều kiện, chứ những gia đình khó khăn, nhất là ở vùng tâm dịch thiếu cả lương thực, ở vùng sâu vùng xa, đến giờ nhiều em vẫn chưa có sách giáo khoa lấy gì để học. Việc dạy – học online, dạy qua truyền hình là giải pháp tình thế, đối phó tạm thời phạm vi hẹp, chứ không phải giải pháp cho hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước từ tiểu học đến đại học. Ngay cả sinh viên học online cũng không ít người còn lơ là, huống chi học sinh lớp 1. Điều quan ngại nhất là không nên dấy lên sự việc đến ồn ào để xem như là thành tích, bởi có được mấy em vào mạng để học và kết quả học tập sẽ như thế nào, trong khi những học sinh không được học online chiếm số lượng cao hơn sẽ đi về đâu. Ông thầy, bà cô đứng lớp trực tiếp với học sinh là hồn vía của cả tiết học, là nền tảng bao đời của giáo dục, không chỉ truyền thụ tri thức mà còn truyền cảm hứng, nỗi niềm xúc động, kích thích hưng phấn tâm trí, hình thành tình cảm, tính cách qua từng cử chỉ, ánh mắt, cái nhìn, hỏi đáp giao lưu qua lại giữa quý thầy cô với học sinh nữa. 

Khai giảng đã trôi qua cả tuần rồi, tôi nhắn tin hỏi thăm một số đồng nghiệp, thầy cô nào cũng nói sao trống vắng quá! Nhiều cô giáo hôm khai giảng ở nhà mặc áo dài đẹp, mở laptop xem trường mình khai giảng, cũng đứng dậy chào cờ, cũng hát quốc ca, rồi chụp ảnh để ghi dấu ngày khai trường chưa từng có trong đời đi dạy, cầu mong cho dịch chóng qua để đến với học trò. Cảm động vô cùng!  

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi trống khai trường