Theo dõi trên

Khắc tinh thực ảo

23/08/2019, 08:52

BT- Qua một số bài viết chúng tôi trao đổi về “thực học”, nhiều bạn nêu ý kiến chia sẻ khác nhau. Điều chúng tôi bàn đến ở đây là tinh thần học tập bằng chính năng lực bản thân, đem việc học áp dụng  vào thực tiễn sống, nhằm nói đến cách dạy và học giúp thế hệ trẻ biết tư duy độc lập để phát huy sức mạnh sáng tạo, mới là điều thiết thực.

                
Ảnh minh họa

 Đừng để học sinh đánh mất chính mình

Nếu không có tư duy độc lập, hành xử việc gì cũng không phải chính bản thân, luôn dựa vào kẻ khác, cá thể tất yếu không thể phát triển, khi hiện tượng này nhân rộng là nguy cơ cho xã hội. Bàn việc dạy cho học sinh tinh thần tự chủ, độc lập tư tưởng, biết tư duy phản biện, giúp các em có thái độ sống mạnh mẽ từ suy nghĩ đến hành động, tôn trọng và yêu chuộng sự trung thực, khi ấy chúng tôi thường liên tưởng đến thuyết “sống thứ sinh”, nếu giáo dục để rơi vào tình trạng đó sẽ rất nguy hiểm.

Nguy hiểm bởi những người sống theo kiểu ấy không phải sống với chính họ, mà sống cái của người khác, họ làm việc không phải vì tấm lòng, tình cảm chân thực, mà luôn thể hiện bề ngoài để được người khác chú ý. Nghĩa là không sáng tạo ra được cái gì mới có ý nghĩa, chỉ tìm cách để khoát lên cái vỏ phô trương, nhằm gây thanh thế, không tự soi xét để nhận ra chính mình, mà luôn soi mói đến người khác. Những kẻ như thế không có năng lực, không làm ra được cái gì của riêng mình để đóng góp cho cuộc sống, thiếu phẩm chất, nên luôn tìm mối quan hệ để tạo dựng thế lực. Ngay khi nêu ý kiến phát biểu, cũng không phải bằng tư duy độc lập, chỉ biết lặp lại của kẻ khác, không cần đến lý lẽ phán xét đúng sai. Họ không tự làm ra mà luôn đi tìm sự thừa nhận của người khác về mình, nên lo sợ, tìm cách đối phó. Những kẻ sống lệ thuộc là khắc tinh của người có tinh thần tự chủ, tư duy độc lập, nên tìm cách kết bè để công kích. Dễ hiểu bởi hai hiện tượng này ở con người không thể dung hòa, nhưng nếu để kẻ sống lệ thuộc thắng thế, nó sẽ chi phối nhiều mặt, từ ý thức đến tình cảm, từ nhân cách đến hành động, đó là mối tai họa cho xã hội con người(*).   

Hiện tượng cảnh báo

Hiện tượng này phổ biến trong cuộc sống, từ trong gia đình đến nhà trường, xã hội. Đơn cử như trong tình cảm, lòng hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ là sự thiêng liêng ẩn sâu trong tiềm thức, lắng trong tâm khảm, tự mình làm mình biết, nhưng kẻ sống lệ thuộc, khi làm một việc nào đó với ông bà, cha mẹ lại cố tình khoe ra bên ngoài để tìm kiếm, mong đợi sự tán dương, ca ngợi, tức họ tự tìm cách đánh bóng bản thân chứ không thật lòng. Có khi họ sống với ảo vọng thanh thế, rồi tìm cách để con dựa dẫm, không trung thực với năng lực của mình, tiếp tục mang ảo vọng vào đời, trở thành kẻ ích kỷ đáng sợ. Một điểm mà xưa nay chúng hay nói đến để phê phán, đó là “bệnh thành tích”. Bệnh thành tích là hệ quả của sống ảo, có từ trong gia đình đến nhà trường, xã hội. Như trong học tập, không ít cha mẹ không nhìn vào thực chất từ thể lực đến đến trí tuệ của con cái để tìm cách phối hợp giáo dục đúng hướng, mà chạy chọt để con mình được tôn vinh, ngay từ nhỏ đã tạo cho nó rơi vào vị trí sống dối lừa, không trung thực như thế, khi lớn lên nhân cách của chúng sẽ đi về đâu! Trong một lớp học, sự phân hóa năng lực học tập của học sinh là chuyện bình thường, sự chênh lệch học lực diễn ra là thực chất, nhưng cuối năm 100% đều đạt học sinh giỏi, là không bình thường. Hàng loạt câu hỏi đặt ra, tại sao phải tạo ra sự không bình thường đó với trẻ, làm thế với mục đích gì? Điều đơn giản về sự sai lầm ở đây mà ai cũng thấy là họ muốn đánh lừa để người khác nhìn vào khen ngợi cái “thành tích” rỗng ấy, đồng nghĩa với sự khen ngợi công sức, tài năng của bản thân họ.  

Điều mà chúng tôi muốn trao đổi ở những bài viết trước đây về “thực học” trước tiên là giáo dục lòng trung thực với chính bản thân, đó là phẩm chất duy nhất để hình thành nhân cách, để tự thân bộc lộ năng lực trong lao động sáng tạo, có thế mới đem lại hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho xã hội, không bị rơi vào vực thẳm nguy hại của sự sống ảo. 

    
    (*).   Nguồn: Tham khảo khái niệm “Những kẻ sống thứ sinh” (They live   second-hand), xem “Suối nguồn” (The Fountainhead) của Ayn Rand, nhà tiểu   thuyết, triết gia  – Nhà xuất bản Trẻ, 2007. Thứ sinh là không sinh ra   từ bản thân chủ thể hành động hoặc cảm xúc mà chỉ phản ánh từ người   khác.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc tinh thực ảo