Theo dõi trên

Học thuộc lòng

08/05/2020, 09:54

BT- Mùa cách ly vừa tạm lắng - chúng tôi nói “tạm lắng” vì còn đang cảnh giác phòng vệ, một số anh em giáo viên tâm huyết ngành nghề ngồi lại bàn với nhau về việc tiếp nối dạy - học online cho học sinh thời kỳ hậu dịch Covid-19. 

                
Ảnh tư liệu.

Cần phân biệt thế nào là nhồi sọ

Họ trao đổi rằng, vừa qua đã tạo dựng được tinh thần và cơ sở giúp cho học sinh bước đầu tiếp cận với phương pháp học trực tuyến online, đó là điều thuận lợi, tạo “cú hích” để tiếp tục duy trì tổ chức thực hiện về sau. Ví như vào những thời điểm ôn thi, dành quỹ thời ở nhà học theo chương trình online, hạn chế bớt tập trung đến lớp – có khi hơn cả tháng, vào mùa nóng nực. Chứ không lẽ mới khởi động bước đầu có được một ít kinh nghiệm rồi lại vứt đi rơi vào quên lãng. Đang thảo luận sôi nổi thi một thầy xoay sang tôi hỏi một câu không dính dáng gì đến chủ đề đang trao đổi, rằng tôi nghĩ thế nào về chuyện yêu cầu học sinh học thuộc lòng. Bởi học thuộc lòng là lối học vẹt, nhồi sọ học sinh. 

Nghe thế, tôi nghĩ, có những kiến thức buộc phải thuộc lòng chứ, không thuộc thì lấy gì làm bài. Rồi sực nhớ lại hồi còn học tiểu học trước năm 1975, trong chương trình Việt ngữ từ lớp năm đến lớp nhất (lớp một đến lớp năm bây giờ) có nôm tập đọc, học thuộc lòng. Còn ngày nay chỉ lồng ghép, chứ không có tên riêng cho bộ môn học đó. Hồi ấy, cứ thứ hai đầu tuần, học sinh vào lớp bao giờ cũng thấy trên bảng thầy ghi một câu cách ngôn, hoặc ngạn ngữ, tục ngữ, danh ngôn… ngắn gọn, như “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Mỗi tuần, luôn có một câu mới, và yêu cầu học sinh trong lớp thuộc lòng những câu cũ. Suốt 5 năm học tiểu học, tôi đều thấy như vậy. Anh bạn gật gù, nói rằng, ngoài những câu ấy ra, muốn hỏi những bài về bộ môn học thuộc lòng kia. Tôi nói, có những bài yêu cầu học thuộc lòng mà đến bây giờ vẫn còn nhớ. Như về văn xuôi, chọn một số đoạn văn hay, yêu cầu học thuộc, như đoạn trong truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”... Anh hỏi còn thơ? Tôi nói thơ thì nhiều, nhưng nhớ nhất và khó quên là những bài thơ ngụ ngôn của La Phông-ten(*). Anh bảo ví dụ? Tôi nói như nội dung bài “Con ve và con kiến”, khi mùa gió bấc thổi, ve bối rối không còn đồ ăn, nên qua chị kiến hàng xóm xin vay “dăm ba hạt” để ăn qua ngày, hứa đến mùa hè trở lại, sẽ trả đủ lãi lẫn lời, nhưng kiến ghét thói vay cậy, hỏi nắng ráo ve làm gì? Ve khoe rằng luôn hát suốt ngày đêm. Kiến bảo: “Xưa chú hát/ Nay thử múa coi đây”. Rồi thầy hỏi: Thế ve có múa không? Có bạn nói có, múa mới được vay chứ. Có bạn ngược lại, nói không múa. Thầy hỏi vì sao? Bạn trả lời, sức đâu còn mà múa. Bài thơ là một mẫu chuyện như thế cứ ám ảnh hoài mỗi khi mình có ý định đi vay của người khác. Thầy giáo ngồi cạnh hỏi, nhưng có thuộc lời thơ không? Tôi bảo có chứ. Song không nhắc lại bài thơ trên, mà đọc bài “Thần chết và lão tiều phu”: “Lão tiều vác củi cành một bó/ Củi đã nhiều, niên số lại cao/ Lặc lè chân đá chân xiêu/ Lom khom về chốn thảo mao khói mù/ Tủi thân phận kỳ khu khó nhọc/ Đặt bó sài ở dọc lối đi/ Than rằng: Sung sướng nỗi gì/ Khắp trên thế giới ai thì khổ hơn?/ Bữa no đói luôn cơn buồn bã/ Vợ nào con vất vả trăm chiều/ Hết thế lính lại thuế sưu/ Quanh năm khách nợ còn điều gì vinh?/ Hỡi thần Chết thương tình chăng tá/ Đến lôi đi cho dã một đời/ Chết đâu dẫn lại tức thời/ - Hỡi già khi nãy kêu vời lão chi?/ Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ/ - Nhờ tay ngài nhắc đỡ lên vai. Thơ rằng:/ Đành chết là hết nợ/ Sao mà ai cũng sợ?/ Mới hay bụng thế gian/ “Khổ mà sống còn hơn”(**). Tôi nói, có một số từ hồi ấy đọc thuộc, nhưng không hiểu ý, sau này học lên, mới dần dần vỡ nghĩa ra.

Học thuộc để khắc ghi vào đời

Lớn lên, mỗi lần nghe đến chuyện đi vay đi mượn, đến chuyện than thân trách phận khổ cực đòi chết, tự nhiên nội dung những bài thơ ấy lại hiện về như lời cảnh tĩnh. Bây giờ đến tuổi xế chiều, thì nhìn nhận ở góc độ khác, nghe thấm thía nhiều điều. Cái gì cần thuộc thì phải học thuộc, có gì đâu gọi là nhồi sọ.

Võ Nguyên

(*). Jean de La Fontaine (1621 – 1695), nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng nước Pháp, được nhân loại biết đến rất rộng rãi; (**) Nguyễn Văn Vĩnh dịch.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học thuộc lòng