BT- Chính cậu học trò nhiều lần làm tôi lúng túng khi chủ nhiệm lớp, mấy mươi năm nó lại về thăm, khung trời ký ức hiện ra với những gì nó ngồi thỏ thẻ nhắc lại. Lúc ấy tôi mới ra trường, bước qua năm thứ 3, hiệu trưởng lại giao cho tôi chủ nhiệm lớp 12. Nhưng đó cũng là một lớp học để lại trong tôi với bao ấn tượng vui buồn trong đời đi dạy.

 Thi thoảng cũng có nhất quỷ…

Lớp học có nhiều nữ sinh – có thể nói, xếp vào “cung bậc” đẹp nhất nhì khối lớp; nam sinh đa số phong cách rất đàn ông. Nam cũng như nữ, nhiều em học giỏi. Cứ nghĩ chủ nhiệm một lớp như thế thích thú biết bao, nhưng không phải vậy, 42 học sinh là 42 tiểu vũ trụ riêng biệt, muôn màu, thăm thẳm, vô cùng bí ẩn, nó thử thách khôn lường với anh thầy giáo mới tập tễnh vào nghề. Đang phát động lớp thi đua, hai ba tuần đầu năm xếp loại nhất nhì toàn trường, được khen, đang vào nền nếp, bỗng xuất hiện vài em có “triệu chứng bất thường”, làm cho lớp luôn bị trừ điểm. Trong đó có cậu học trò hơn 30 năm nay về thăm đang ngồi trước mặt của tôi. Khi nói chuyện, nó ít nói về mình, mà cứ gợi lại những việc tôi làm với lớp, nhưng hình ảnh của nó thời quá khứ lại hiện ra sinh động trong trí nhớ của tôi. Đó là thời kỳ cả nước đói nghèo, nó lại thường vắng học, hỏi ra, nó nói đang ở nhà trọ, nhiều bữa đói quá không đi học nổi. Nghe thế, “anh thầy” chủ nhiệm hơi choáng. Cuối buổi học, tôi cho ban chấp hành: lớp, Đoàn, tổ trưởng ở lại, đặt vấn đề của bạn đang gặp khó khăn. Ý kiến thống nhất: hằng tháng, mỗi em góp 1 lon gạo. Giao cho lớp phó phụ trách lao động nhận vào ngày cuối tháng. Lúc đầu, đưa gạo đến, nó phản ứng không nhận, sau nghe các bạn thuyết phục nó mới nhận. Nhưng đến tháng thứ 3 thì lớp phát hiện, nhận gạo hôm trước, hôm sau nó đem đi bán lấy tiền xài. Hết chịu nổi, tôi gặp riêng, chửi cho một trận. Nó ngồi khoanh tay, im lặng lắng nghe, khuôn mặt hiền lành, dễ mến, rồi cúi đầu: Em xin lỗi! Em biết sai rồi, mong thầy và lớp tha cho. Thoáng cái, kết thúc năm học, chuẩn bị tổng kết, kiểm tra thấy nó thiếu điểm dự thi tốt nghiệp, tôi phải âm thầm nhờ thầy cô “phù phép” cho nó đủ điểm. Năm ấy, tôi đi coi thi cách nơi tôi dạy 150 km. Chiều ngày thi thứ 2, anh bạn làm ở văn phòng trường gọi ra báo cho tôi biết, nó và một bạn đi trễ gần 20 phút, nên không cho vào phòng thi. Nghe thế, biết chắc lớp chủ nhiệm đã có 2 em hỏng tốt nghiệp rồi. Coi thi xong, về lại, tôi đến nhà tìm 2 đứa nó, chúng trốn biệt, không tin tức gì về thi cử cho gia đình biết. Mãi về sau, tôi nghe tin 2 đứa trúng nghĩa vụ quân sự, đã nhập ngũ lên đường sang Campuchia.  

Thấm đời để lớn

Đâu gần 5 năm sau, khi đã giải ngũ, nó lại đến khu tập thể tìm tôi. Bây giờ nó khác lắm, nhìn nước da và khuôn mặt đầy nắng gió chiến trường, hiện lên vóc dáng một thằng đàn ông rắn rỏi, chững chạc, tràn đầy nghị lực. Nó kể chuyện chiến trường, những ngày hành quân, những đêm phục kích… Nó có năng khiếu kể chuyện hấp dẫn, có lúc nghe rợn người, nhất là khi giáp trận, quần nhau trong từng mõm đất, khe mương, hốc đá, vô cùng tàn khốc, dã man… Nó bảo, hồi đi học, thầy cô giảng về lý tưởng, nhưng có nhớ gì đâu, đến khi cầm súng, giáp mặt kẻ thù, ranh giới giữa sống và chết mỏng manh, khoảnh khắc, nhận thức hiện lên trong đầu là phải sống, không được chết, muốn sống phải tìm cách bắn nó trước, không thì nó bắn mình. Em nghĩ, tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, chỉ có thế. Kể xong, nó hỏi tôi việc nộp đơn đi học lại – học chương trình bổ túc văn hóa ban đêm. Xếp nó vào học lớp tôi dạy. Một hôm tôi mệt, nhờ đồng nghiệp dạy thay. Cuối buổi học, nó chạy qua chỗ tôi nói, thầy làm em hết chỗ trốn. Hóa ra, người tôi nhờ dạy thay, trước kia học cùng lớp với nó. Khi thấy cô vào lớp, nó hốt hoảng, lũi xuống góc cuối phòng để ngồi, nhưng không thoát được ánh nhìn xinh đẹp của cô bạn ngày xưa. Nó nói, xấu hổ quá, muốn độn thổ luôn cho rồi! Năm ấy nó đậu tốt nghiệp, rồi thi vào ngành tin học.

Lần này gặp lại, nó đã có vợ 2 con. Đứa học năm thứ nhất đại học, đứa học lớp 11. Nó cười: Với em, đánh đổi sai lầm cả cuộc đời của thằng cha để có bài học cho con, thầy ạ.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa muộn