Theo dõi trên

Hiểu đúng về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập

13/06/2018, 16:41 - Lượt đọc: 18

BTO- Ngày 11/6/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam (thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đăng bài Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận có đang làm khó giáo viên trong việc xét thăng hạng? Bài viết nêu câu hỏi tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận không thực hiện “nhẹ nhàng” như Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30-11-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà lại tổ chức học và thi với học phí không nhỏ. Bài viết này mạn phép trình bày một số nội dung chính về thăng hạng chức danh nghề nghiệp để cán bộ, giáo viên hiểu đúng vấn đề.

Thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

Theo điểm a khoản 2 điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ, việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức từ hạng III lên hạng II thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo khoản 3 điều 3 Thông tư 12/2012/TT-BNV ngày 18-12-2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc quyết định hình thức thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, việc quyết định hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non và phổ thông đều không thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp

Theo khoản 3 điều 3 Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT, các tiêu chuẩn và điều kiện dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được quy định bởi các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ.

Theo các Thông tư liên tịch này, ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, giáo viên mầm non và phổ thông muốn dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tương ứng. Chứng chỉ bồi dưỡng này được cấp bởi các cơ sở mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, sau khi học viên đã tham gia học tập đủ nội dung quy định.

Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng - đơn vị mà Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp - là một trong các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Về nội dung và hình thức bồi dưỡng

Bài viết trên cho rằng nội dung bồi dưỡng ở hai buổi đầu tiên chỉ liên quan đến quản lý hành chính nhà nước mà giáo viên đã được học trong chương trình đại học, cao đẳng.

Thật ra, chương trình đào tạo giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học hiện nay chủ yếu gồm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ sư phạm. Kiến thức về quản lý hành chính nhà nước không phải là nội dung đào tạo chính của các trường sư phạm và nếu có, chỉ được tiếp cận theo góc nhìn của hệ thống giáo dục.

Có thể một số cán bộ, giáo viên đã tiếp thu kiến thức quản lý hành chính nhà nước qua các chương trình bồi dưỡng khác nhưng không phải mọi giáo viên mầm non và phổ thông đều học kiến thức này ở trường đại học, cao đẳng. Hơn nữa, nội dung bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không phải do giảng viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng lựa chọn mà do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bằng văn bản, phù hợp với vị trí việc làm của giáo viên mỗi bậc học, cấp học.

Bài viết còn thắc mắc vì sao học phí cao nhưng phần lớn thời gian là học trực tuyến. Theo khoản 2 điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BGDĐT ngày 23-5-2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, “cơ sở bồi dưỡng được quyền chủ động lựa chọn một trong hai hình thức: tập trung, vừa làm vừa học”. Hiện nay, các cơ sở bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong toàn quốc đều kết hợp bồi dưỡng trực tiếp với bồi dưỡng trực tuyến nhằm tận dụng những tiến bộ kỹ thuật, giảm thời gian học viên tập trung tại lớp, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở cho học viên.

Để triển khai bồi dưỡng trực tuyến, các cơ sở đào tạo phải biên soạn tài liệu phù hợp với hình thức tự học, xây dựng giao diện website thuận lợi cho người học, thiết kế đường truyền dung lượng lớn để đón nhận đồng thời nhiều người truy cập và phân công giảng viên trực để tương tác ngay lập tức với học viên có thắc mắc.

Việc học trực tuyến mang tính cá nhân hóa cao nhằm đáp ứng tốc độ lĩnh hội và tiếp thu của từng học viên, Vì vậy, hình thức này đòi hỏi phải đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ban đầu và giảng viên phải cập nhật liên tục bài giảng. Ngoài ra, học viên phải tích cực, chủ động nghiên cứu tài liệu, đặt câu hỏi để đạt kết quả tốt.

Thay lời kết

Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận không làm khó giáo viên trong việc xét thăng hạng. Ngược lại, Sở đã cố gắng bố trí các điểm học theo địa bàn công tác để giáo viên không phải đi học xa. Đồng thời, việc học trực tuyến kết hợp với giải đáp trực tiếp giúp giáo viên giảm thời gian học tập trung và có thể phân bố thời gian học tập linh động, phù hợp với từng cá nhân.

Vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên cần nắm vững các điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết khi Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xét hoặc thi nâng hạng theo Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT.

Trần Lương Công Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu đúng về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập