Theo dõi trên

Hãy tạo sự công bằng và con đường học tập cho các em

19/07/2018, 15:12

 BTO- Mấy ngày nay, việc nâng điểm 330 bài thi THPT Quốc gia của tỉnh Hà Giang, trong đó có những bài nâng "từ 1 lên 8,75" được Bộ GD-ĐT công bố  đã gây choáng váng hụt hẩng cho nhiều người. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để công bằng, cần thanh tra các địa phương khác.

 Chiều 18/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia quyết định thành lập hai tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia 2018 của hai tỉnh Lạng Sơn và Sơn La.  Tổ công tác gồm các cán bộ đến từ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ GD-ĐT và A83 Bộ Công an. Ngày 19/7, hai tổ công tác  đến hai địa phương để bắt đầu công việc và ngày 20/7 phải có báo kết quả xác minh.

                
         Thứ trưởng Bộ GDĐT làm việc với cán bộ coi thi tại    Bình Thuận

Tỉnh miền núi Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi THPT quốc gia là 4,21, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt các môn tự nhiên. Riêng môn Toán, Sơn La có 30 em đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm gần 0,3%. Trong khi tỷ lệ này ở TP HCM, Hà Nội và Nam Định lần lượt là 0,04; 0,1 và 0,06.

Ở môn Vật lý, Sơn La có 13 em đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,97% trên tổng số gần 1.340 thí sinh dự thi. Trong khi đó, với số bài thi gấp hơn 37 lần (49.680), TP HCM chỉ có 39 điểm từ 9 trở lên, chiếm khoảng 0,08%, kém Sơn La 12 lần.

Tại tỉnh Lạng Sơn bị xác minh nghi vấn có 35 thí sinh tự do thi cùng một điểm trường ở thành phố có điểm các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cao bất thường. Đề thi Lịch sử và Ngữ văn được đánh giá là khó, điểm thi của phần lớn thí sinh rất thấp, nhưng tổng điểm của nhóm này đều trong ngưỡng 24-27 điểm.

Bảng điểm có đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) của các thí sinh. Điều đáng chú ý, số lượng điểm trên 8 và 9 môn Văn và Sử cao bất thường.

Trao đổi về vấn đề gian lận điểm thi chấn động và việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Bình Thuận, Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh- Trưởng Phòng GDCN&GDTX -Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết, trong thời gian diễn ra kỳ thi, Thứ Trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn thanh tra đã về kiểm tra tại Bình Thuận. Thứ trưởng đánh giá Bình Thuận tổ chức rất nghiêm túc kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Việc chấm thi cũng được giám sát chặt chẻ, do vậy chắc chắn không có chuyện tiêu cực xảy ra. Theo cá nhân tiến sĩ thì có nên tiếp tục duy trì cách thi và chấm thi như vừa qua? Tiến sĩ Công Khanh cho rằng vấn đề này còn tuỳ thuộc vào Ban chỉ đạo cấp quốc gia quyết định, có thể là Thủ tướng chính phủ. Nếu kỳ thi chỉ xét về tốt nghiệp THPT thì không có vấn đề gì, nhưng nếu áp dụng kỳ thi cho 2 trong 1 để xét tuyển Đại học thì bộc lộ nhiều bất cập vì quá khó với học sinh phổ thông, đề thi dài dẫn đến điểm thí sinh thấp, do vậy các trường Đại học khó tuyển đủ chỉ tiêu vì phải tuân theo điểm sàn. Trong tương lai có lẽ sẽ có cải tổ, giao cho các trường Đại học tuyển sinh vì hiện nay có một số trường có quy chế tuyển sinh riêng bằng cách thi đánh giá năng lực và xét học bạ.

Mong rằng những đổi mới trong thi cử  phải mang đến sự công bằng và con đường học tập thật sự tốt cho học sinh trong cả nước.

 QT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãy tạo sự công bằng và con đường học tập cho các em