Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Vì đâu chậm trễ !

22/03/2019, 08:43

 BT- Đọc bài “Giáo dục ở đâu 4.0?” trên Bình Thuận cuối tuần số 6221 (22/2/2019) nhiều bạn trao đổi, đặt câu hỏi cho rằng cách dạy của chúng ta giống như lập trình có sẵn cho người máy nghĩa là sao? Một số ý kiến bảo có phải người viết quá lý tưởng chăng!

Nhìn từ hiện thực

Chúng tôi nhắc đến ý kiến của các nhà giáo dục là để nhấn mạnh về thực trạng hiện nay từ cấu trúc chương trình, viết sách giáo khoa, phương pháp dạy - học đến tổ chức thi cử, dẫn đến cách dạy buộc học sinh học để ghi nhớ -  nhớ để làm được bài, nhất là làm bài theo phương thức đề thi trắc nghiệm khách quan. Với cách chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về sử dụng kiến thức học thi cũng như cách ra đề thi trong suốt thời gian qua, cộng với áp lực tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đè nặng lên vai người thầy, nên không thể vượt ra ngoài cái khung cố định gần như công thức đó. Hơn nữa, ra đề kiểm tra thi là định hướng cho việc dạy và học – thi thế nào dạy học theo thế ấy là thực trạng ai cũng biết. Cách dạy học như thế nhiều năm trôi qua, quen đi, thành nếp, như công thức, cài vào trí não học sinh một cách máy móc có khác gì lập trình có sẵn cho người máy – robot. Đến khi gặp tình huống khác lạ, không có trong lập trình, trở nên luống cuống, bất lực, không thể tự giải quyết được.

Chúng tôi nêu vấn đề này bởi giáo dục của nhiều nước đang chuyển biến đáp ứng – bắt kịp những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Cải cách giáo dục đâu chỉ xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa (SGK); điều quan trọng là đổi mới phương pháp dạy – học và cách tổ chức thi cử, kiểm tra, đánh giá việc phát huy năng lực học sinh; chú trọng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề (problem based learning), giúp học sinh biết cách phân tích, nhận xét, đánh giá, khơi gợi kích thích lòng đam mê tìm tòi, khám phá, động viên hỗ trợ phát triển tính sáng tạo, tư duy phản biện, sẵn sàng ứng phó với những tình huống mới. Chúng ta đang sống trong thời đại trí tuệ nhân tạo – thiết bị máy móc tự động hóa đã đạt đến đỉnh cao về tính chính xác. Theo dự kiến của WEF(1), vào đầu những năm 2020 trở đi, các thiết bị cơ giới sẽ thay thế nhiều việc làm thủ công trên thị trường lao động thế giới, hiệu quả năng suất tăng gấp nhiều lần so với lao động chân tay bình thường trên tất cả các mặt hoạt động đời sống của con người. Song song sẽ phát sinh ra nhiều việc làm mới, nếu không có biện pháp đào tạo kịp thời ngay từ nhà trường phổ thông, mãi giữ cách dạy học – thi cử theo kiểu tầm chương trích cú, ghi nhớ, thuộc lòng, làm bài theo mẫu có sẵn thì sẽ xuất hiện một thế hệ thanh niên bối rối, lạc hậu, ngơ ngác “như gà công nghiệp”, không tìm được việc làm trước yêu cầu của thị trường lao động mới trên thế giới thời 4.0.

 Có đâu lý tưởng xa vời

Thời gian qua, nhiều công ty, nhà máy, doanh nghiệp ở nước ta đã kịp thời đón nhận và áp dụng công nghệ kỹ thuật số – điều khiển vận hành tự động vào sản xuất, tạo ra các giá trị ở những lĩnh vực mới, đạt được những hiệu quả thiết thực về sản lượng và chất lượng sản phẩm. Không ít thanh niên đã tự mày mò nghiên cứu IOT(2) áp dụng vào sản xuất chế biến (các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp, cả các mặt hàng mỹ nghệ thủ công cũng được thay thế…) và họ đã thành công. 

Một hiệu trưởng trao đổi với chúng tôi, trường anh khảo sát có trên 80% học sinh (đa số con em lao động biển) sử dụng mạng qua smartphone, nhưng hầu như để chơi facebook, game, nhắn tin, chứ không phải dùng để truy cập khối lượng kiến thức internet vạn vật phục vụ cho việc nghiên cứu học tập; ngay SGK tin học viết đã gần 15 năm rồi, lại nặng về lý thuyết cấu trúc máy tính, có những bài không cần thiết cho học sinh, nhưng đến nay vẫn chưa có gì bổ sung, thay đổi, trong khi công nghệ thông tin phát triển nhanh đến chóng mặt. Vấn đề chúng tôi đề cập là nhằm nói đến giáo dục phổ thông của chúng ta đi quá chậm, trong khi bên ngoài nhà trường, thành quả công nghệ hiện đại đang được người lao động áp dụng sản xuất rất hiệu quả. Trên thực tế, nhiều giáo viên rất giỏi, am tường về lĩnh vực này, nếu mở rộng khung cửa giáo dục khai phóng, họ có đủ khả năng vận dụng thành quả khoa học để hướng dẫn học sinh vào con đường “thực học”. Nói thế đâu phải nhằm lý tưởng hóa ! Nhưng họ bị ràng buộc không bứt ra được bởi sự đóng khung kiến thức của nội dung chương trình, SGK và cách thi cử.                                                     

Võ Nguyên

(1). WEF (World Economic Forum): Diễn đàn Kinh tế Thế giới; (2). IOT =  (Internet of things): Internet vạn vật – đã đề cập ở bài “Giáo dục ở đâu 4.0 ?”. 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Vì đâu chậm trễ !