Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Thực như mơ (*)

15/11/2019, 10:07

BT - Anh bạn trẻ từ nông trường gọi cho tôi, nói tình cờ đọc bài “Huyền diệu trẻ thơ” trên Bình Thuận cuối tuần, hỏi có thật là người ta dạy cho trẻ tiếp nhận âm thanh nhạc điệu từ lúc mới 2, 3 tháng tuổi không? Tôi nói với anh đó là tôi ghi lại những thành tựu khoa học người ta đã công bố, thật ra đợi đến 2, 3 tháng tuổi mới dạy cho con là quá trễ, hiện nay người ta dạy con từ trong tử cung, họ đã thành công.

Ngỡ như huyền thoại

Tôi kể lại chuyện cặp vợ chồng dạy con từ thai nhi, chồng tên Sisedike – công dân Mỹ, vợ tên Saneko – quốc tịch Nhật, họ đã áp dụng phương pháp thai giáo đặc thù để bồi dưỡng cho 4 cô con gái trở thành thần đồng, tạo nên kỳ tích làm chấn động nước Mỹ. Anh bạn nói vậy sao không viết giới thiệu cho nhiều người biết. Tôi nói, có người bảo nhiều bài viết trên “Góc nhìn giáo dục” mang tính lý luận, sách vở quá, ai cũng biết. Anh bạn bảo khi nào cần lý luận phải lý luận chứ, còn kiến thức thì ở trong sách vở chứ ở đâu, nhưng mấy người đã đọc được, người nào đó nói như vậy chưa chắc họ đã đọc những cuốn sách mà anh trích dẫn để viết bài. Rồi anh hỏi chuyện vợ chồng Sisedike – Saneko dạy con thành thần đồng như thế nào, anh cũng chưa biết. Nghe thế, tôi vắn tắt cho anh rằng, mẹ Saneko làm bất cứ việc gì cũng luôn nghĩ đến đứa con đang mang trong bụng, đã có cách dạy cho thai nhi như luôn hát những lời nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy ắp sự tuyệt diệu của cuộc sống, khi thai nhi 5 tháng, bà dùng những mảnh giấy phát sáng để dạy chữ cho con, dạy làm quen với phương pháp tính toán, với các hình vẽ, nhẹ nhàng nói cho con nghe những điều về dũng khí, chính nghĩa, tình bạn, cho con nhận thức về sự vật, tự nhiên, con người, xã hội…

Nghe nhạc thường xuyên giúp thai nhi phát triển trí tuệ.

Những người bình thường trông thấy cảnh ấy cho rằng mẹ Saneko mắc bệnh “thần kinh”. Nhưng họ đâu có ngờ, kết quả là cô con gái đầu lòng tên Susan, 11 tuổi đang theo học lớp sinh viên dự bị Trường Đại học Maskin Grid, cô con gái thứ hai tên Stacey 9 tuổi đang học lớp 10, cô con gái thứ ba tên Stephanie đang học lớp 7 và cô út Jaina đang ở nhà tự học chương trình lớp 5. Chỉ số IQ của 4 chị em đều trên 160. Điều kỳ lạ là trong quá trình thai giáo, cha mẹ thường hay “hội thoại” với thai nhi, vì thế các cô bé sau khi sinh khoảng 2 tuần đã biết nói, 3 tháng có khả năng nói chuyện. Khả năng phát triển hoạt động của bé cũng khác thường, sau 6 tháng đã biết cách học dùng bô đại tiểu tiện, sau 9 tháng bắt đầu tập đi.

Biết mà để vậy cũng bằng không

Tôi có nói thêm với anh, họ áp dụng phương pháp thai giáo như vậy bởi nhanh chóng tiếp nhận những thành quả nghiên cứu khoa học về phát triển thai nhi – đến nay những công trình nghiên cứu ấy đã công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy: Chỉ trong 2 tháng hình thành, thai nhi bắt đầu xuất hiện xúc giác; 3 tháng, miệng thai nhi có thể chạm đến tay và cuống rốn, biết động tác mút tay; 4 tháng, bắt đầu từ từ xuất hiện các phản xạ như phòng ngự, chạy trốn, hô hấp mang tính kích thích, biết phản ứng khi người mẹ dung nạp nhiên liệu vào cơ thể mẹ không bình thường (như uống nước lạnh hoặc nước sôi), lúc này thai nhi có thể nghe được những âm thanh bên ngoài tử cung; 5 tháng, bắt đầu có khả năng ghi nhớ, nếu được nghe giọng mẹ nói nhiều lần, thai nhi sẽ có cảm giác an toàn; 6 tháng, bắt đầu có khả năng ngửi được mùi của mẹ và ghi vào trong trí nhớ; 7 tháng, các tế bào thần kinh gần giống người trưởng thành, thị giác bắt đầu phát triển, lúc ấy thai nhi bắt đầu biết lắng nghe để thích hay không thích những âm thanh ở bên ngoài và có khả năng phát âm; 8 tháng, “có thể nghe và phân biệt được sự nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, mức độ cao hay thấp trong giọng nói và những loại âm thanh khác nhau (phân biệt được sự khác nhau giọng nói của cha và mẹ), đồng thời có những phản ứng mẫn cảm với những loại âm thanh ấy, biết phân biệt giữa vui và không vui. Ngoài ra, còn có thể cảm nhận được những cảm xúc vui mừng, kích động bất an, hay bi thương của người mẹ”… Sau 9 tháng, “thai nhi có đầy đủ lục phủ ngũ tạng với chức năng phức tạp và hoàn thiện; có thính giác, thị giác, xúc giác, vị giác và khứu giác tương đối mẫn cảm, có thể thoát ly khỏi cuộc sống ở nhờ trong bụng mẹ với sức sống tràn trề. Sức sống ấy không phải bất chợt hình thành khi thai nhi được sinh ra mà đã tồn tại ngay trong quá trình mang thai.” Sách nói thế, nhiều cha mẹ trẻ đã tìm đọc và vận dụng, đem lại kết quả kỳ diệu không ngờ trong giáo dục.

Đừng trách trời cao

Trao đổi đến đây, anh bạn bên kia đầu dây nói, chắc gì ai cũng biết, nhưng từ chỗ biết đến vận dụng vào thực tế mới quan trọng, nhưng khoảng cách còn quá xa. Anh nói không lo cho con cháu từ sớm thì sau này đừng ngồi mà trách trời cao. Rồi nhờ tôi mua sách, bởi anh có đứa con gái đầu lòng đang mang thai. Khi viết những dòng này, tôi đã mua được sách anh cần và chuyển cho anh qua đường bưu điện, mong rằng sẽ giúp được ít nhiều gì đấy trong quá trình thai giáo của cháu.

(*). Nguồn: Dẫn toàn bộ trong bài viết này (trực tiếp và gián tiếp) từ: “Phương án 0 tuổi – chiếc nôi ươm mầm hạt giống tài năng (dùng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi) của GS Phùng Đức Toàn, Vân Anh dịch – NXB Lao động – Xã hội, 2009)

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Thực như mơ (*)