Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Sức ì từ thi cử

03/08/2018, 09:11

BT- Mùa thi vừa trôi qua, năm học mới lại bắt đầu. Anh bạn hiệu trưởng suy tư với chúng tôi: Giáo dục thế giới phát triển đến chóng mặt, nhưng giáo dục của mình cứ đang dậm chân, luẩn quẩn xây dựng chương trình với thi cử, mà cứ rối bời.

                
Ảnh minh họa

Sức ì cố thủ

Khoa học công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, nhưng không ít giáo viên chưa biết sử dụng vi tính để tạo lập văn bản, ngược lại, nhiều học sinh rất giỏi tin học. Vấn đề anh suy tư là về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học. Qua trao đổi, gợi chúng tôi nhớ John Vũ, sau khi nghiên cứu các nền giáo dục tiên tiến thế giới đã có những cảnh báo rằng việc buộc người học phải ghi nhớ mọi thứ từ “tri thức giới hạn” để qua được kỳ thi thay vì học những điều mới để cùng nhịp với những tiến bộ khác. Việc “hướng theo thi cử” cổ lỗ này cũng ngăn cản người học phát triển tư duy độc lập riêng của họ, ý kiến riêng của họ, kỹ năng giải quyết vấn đề riêng của họ, và tính sáng tạo riêng của họ(1). Theo kiểu truyền thống lâu nay, người thầy dạy những gì đã có trong khung chương trình và sách giáo khoa, cái gọi là “chuẩn kiến thức - kỹ năng”. Trước đây không lâu, tôi trao đổi với một số thầy tổ trưởng môn Lịch sử, sao không mở rộng khơi gợi để học sinh tìm hiểu nét đẹp riêng về những con người tuyệt vời trong lịch sử dân tộc, kích thích đam mê ham thích bộ môn? Quý thầy đều nói dạy - học, kiểm tra theo đúng “chuẩn kiến thức - kỹ năng”, ai dám vượt! Môn Ngữ văn cũng chưa mấy người dạy thật sự hướng dẫn người học tự tìm tòi thưởng thức ý vị cái đẹp, cái hay của câu từ, hình tượng nghệ thuật văn chương, mà còn đóng khung gần như công thức trong giáo án với: ý 1, ý 2… để nhớ mà trả bài - chắc chắn một điều, những gì trong giáo án đều có trên các web - các trang mạng (nơi lưu giữ khối kiến thức khổng lồ), lẽ ra người dạy chỉ cần hướng dẫn cho người học tìm ra địa chỉ để đọc, còn lại đầu tư giúp học sinh phương pháp tiếp nhận, tranh luận, để tự tìm ra vấn đề...   

 Không lời xin lỗi

Nhưng trong giáo dục, “thi như thế nào dạy - học như thế ấy”. Hình thức ra đề thi trắc nghiệm khách quan như hiện nay là một trong những lực cản khó mà đổi mới phương pháp dạy - học, một hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh rất máy móc, có cả sự may rủi với thí sinh khi trả lời câu hỏi đề thi, đã máy móc còn không khoa học (như kỳ thi THPT quốc gia năm 2018), không rõ vì năng lực hay cố tình, người ra đề lại đánh đố thí sinh, chứ không phải để phân hóa đối tượng tuyển sinh. Chẳng hạn đề thi môn Toán, GS Nguyễn Tiến Dũng nhận định: “Tôi là người vẫn còn biết giải các bài toán phổ thông thuộc loại khó, các bài thi IMO tôi nói chung vẫn giải được trong thời gian quy định. Thế mà hôm qua, khi một người nhờ tôi xem 5 bài trong đề thi toán THPT 2018 mã số 120 (cụ thể là các bài 38, 44, 45, 48, 49), tôi mất toi gần một tiếng để giải 4 trong số 5 bài đó, còn bài cuối cùng (bài số 45 về một phương trình phi tuyến với biến số phức) thì “khóc thét”, không thể giải nổi trong vòng 1 tiếng tiếp theo. Bài số 45 đó là về một phương trình phi tuyến biến phức. Tôi đưa bài đó cho một nghiên cứu sinh toán học trò của tôi thử giải, anh ta cũng “khóc thét” luôn. Nếu tôi ra đề bài như bài đó cho sinh viên năm thứ nhất của tôi, thì các đồng nghiệp của tôi chắc sẽ nói là tôi bị điên mới ra đề khó như vậy. Thế mà Bộ Giáo dục bắt học sinh làm, không những 5 bài đó, mà còn thêm 45 bài khác, trong vòng có 90 phút!”(2). Từ ra đề đến tổ chức chấm thi là vậy, nhưng chẳng thấy nhận sai!

Còn e phản biện

Dạy học “hướng theo thi cử” hiện nay là học cái mọi người đã biết, yêu cầu người học phải nghe theo, làm theo. Trong khi đó, các nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng việc dạy học tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, phá bỏ cái cũ - lỗi thời, học để tìm ra cái mới, để làm được những cái chưa ai làm, xây dựng được con người bản lĩnh, con người nhân cách, khi bước vào đời độc lập tự chủ quyết định đời mình, không dựa dẫm, không ỷ lại thân thế - hiện nay không ít thanh niên nước ta đã làm được điều đó trên nhiều lĩnh vực. Lẽ ra giáo dục phải đi trước, nhưng thực tế lại cứ theo sau. Từ thực trạng này, lại nghĩ, không chừng việc thay đổi chương trình và SGK sắp tới khi đưa vào thực hiện thì đã thành lạc hậu. Bởi chủ trương ra đề tổ chức thi 2 trong 1 của ông Bộ trưởng đã lạc hậu rồi. Giáo viên nên mạnh mẽ lên tiếng để phá vỡ sức ì bảo thủ đó. 

Võ Nguyên

(1): GS John Vũ – Giáo dục trong thời đại tri thức, Nhà xuất bản Lao Động, 2016; (2): https://news.zing.vn (ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư Toán ở Đại học Toulouse (Pháp), người từng giành huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) khi mới 15 tuổi).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Sức ì từ thi cử