Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Phải không nà

28/09/2018, 08:18

BT- Chuyện ngày trước, nhưng bây giờ vẫn thế, và không biết đến bao giờ mới dứt – một hiện tượng khi nói trong giao tiếp. Thỉnh thoảng xem những cuộc trao đổi giữa MC và khách mời trên VTV, một số MC sau khi dứt một câu trao đổi với khách mời thường hỏi đệm: “Phải không?”, “Đúng không nà?”,… Ngay trong một số hội nghị, hội thảo, người trình bày, trao đổi cũng thường có câu hỏi đệm ấy. Hỏi nhưng đâu có yêu cầu người nghe trả lời.

                
Ảnh minh họa

Thói quen không bỏ sẽ thành tật

Nhớ lại, cách đây gần 20 năm, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chúng tôi làm giám khảo. Một cô giáo lên lớp, giảng tiết thứ nhất (hồi ấy mỗi giáo viên dự thi phải dạy 2 tiết, tiết thứ nhất dạy đạt loại khá trở lên mới được tiếp tục dạy tiết thứ hai), cô giáo cũng rơi vào hiện tượng khi chuyển tải được một ý thì nêu một câu hỏi đệm “có đúng không?”, “phải không nà?”, “đúng không nà?”,… cứ thế lặp đi lặp lại không biết bao nhiều lần trong một tiết dạy. Khi góp ý, ban giám khảo chúng tôi trao đổi: Kiến thức bài dạy khá vững chắc, truyền đạt được những nội dung trọng tâm cơ bản của bài học cho học sinh (nói rõ thêm, phương pháp giảng dạy thời điểm ấy còn hướng về phía truyền thụ của giáo viên nhiều hơn); phát âm rõ ràng, rất chuẩn, nhưng về phong cách trình bày, liên tục đặt ra những câu hỏi đệm lặp đi lặp lại từ đầu cho đến cuối tiết giảng, một sự thừa thải trong phát ngôn, không có ý nghĩa gì cả. Nghe xong, cô nói, thế mà bao nhiêu năm dự thi giảng dạy ở huyện, không thấy ai góp ý về chuyện này.

Chúng tôi hội ý và tuyên bố, nếu tiết sau cô giáo lên lớp mà vẫn tiếp tục hỏi đệm như thế thì dứt khoát sẽ không đạt. Cô bảo, chuyện này trở thành thói quen mất rồi, có sửa thì phải có thời gian, chứ còn ba ngày nữa em lên lớp tiết tiếp theo, làm sao sửa cho kịp. Lúc ấy hai đồng nghiệp trong ban giám khảo tỏ ra hơi dao động, nhưng tôi cương quyết rằng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh phải chuẩn từ kiến thức đến xử lý tình huống và phong cách sư phạm khi lên lớp. Nếu thấy không thực hiện được thì dừng lại ở tiết này. Hơi căng thẳng ! Nhưng ba ngày sau, cô lên lớp thi tiếp, suốt tiết giảng chỉ đặt những câu hỏi cho học sinh trả lời, không nêu câu hỏi đệm. Khi ngồi nghe góp ý, câu đầu tiên cô hỏi: “Không biết có lúc nào em rơi vào câu hỏi đệm không?”. Anh bạn giám khảo cười: “Tuyệt lắm! Một kỳ công đây”. Lúc ấy cô mới kể, khi về, cô trao đổi với một đồng nghiệp. Cô bạn ấy bảo: “Còn ba ngày nữa, phải tập thôi”. Thế là cô đứng tập giảng, mỗi khi nói “phải không nà?”, cô bạn nhịp cây thước lên mặt bàn “bốp” một tiếng. Tiếp tục như thế cho đến khi không còn câu hỏi đệm nữa.

 Dẫu cố ý hay vô tình

Hỏi “đúng không?”, “phải không?”, nhưng không yêu cầu người nghe trả lời, mục đích nhằm khẳng định mình nói như thế là đúng, chân lý thuộc về mình, buộc người nghe im lặng thụ động đồng thuận. Dẫu cố ý hay vô tình, hiện tượng ấy đều tỏ tư thế của kẻ bề trên, có quyền truyền đạt ban bố chân lý cho người bên dưới. Trong quan hệ giao tiếp, như thế là thái độ kẻ cả, chủ quan, mất lịch sự, thiếu khiêm tốn. Đúng hay không để người nghe tự suy nghĩ cảm nhận, đã hỏi thì phải biết lắng nghe phản hồi của người nghe, chứ sao lại áp đặt như vậy. Bởi nội dung suy nghĩ, trình bày của mình chắc gì đã hoàn toàn chính xác. Những định đề, định luật của những nhà bác học mang tầm nhân loại, đã từng tồn tại với thời gian hàng thế kỷ được thừa nhận rằng đúng, nhưng về sau còn bị người khác phản biện, đưa ra những chứng minh về cái tưởng đã là chân lý thì lại bị lật ngược, đúng thành sai. 

Cần lắng nghe ý kiến phản hồi  

Khoảng mười mấy năm sau, gặp lại cô giáo đi thi hồi ấy, cô nói lời cảm ơn, nếu không có sự góp ý thẳng thắn, khắt khe thì cô không bỏ được cái tật mà mình không tự nhận ra. Ngồi bên dưới để nghe người trình bày liên tục đặt câu hỏi đệm lặp đi lặp lại như thế mới thấy tiết dạy trở nên đơn điệu, nhàm chán, người ngồi nghe cảm giác như mình đang bị tra tấn. Thế mà bây giờ còn rất nhiều người rơi vào cái tật ấy khi nói đấy thầy ạ. Có lần trường em khảo sát học sinh, có câu: Ấn tượng nhớ nhất về thầy cô dạy em trong năm học là điều gì ? Học sinh trả lời … (nói đến đây cô cười hết sức vô tư: Nhưng không em đâu nhé, em bỏ lâu rồi), “ấn tượng nhớ nhất về” cô ấy với biệt danh là: “Cô phải không nà?”, “cô đúng không nà?”.

Võ Nguyên 

TB: Nếu cô giáo đọc được bài viết này, xem đây là một kỷ niệm trong đời dạy học, cô nhé.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Phải không nà