Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Ở đâu giáo dục 4.0 ?

22/02/2019, 09:29

BT- Mấy ngày đầu xuân, tranh thủ đọc cuốn sách anh bạn mới mua tặng: “Hồi ký Lý Quang Diệu”(1), thấy tinh thần tự học của một Thủ tướng khi tuổi đã 72 để đáp ứng nhu cầu làm việc theo cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra làm thay đổi lối sống từng ngày, gợi chúng tôi nghĩ về giáo dục Việt Nam nằm ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.

                
      
Cần áp dụng mô hình giáo dục mới như phòng    học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo…    dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Ảnh minh họa (nguồn    Internet).

 Tầm nhìn năng động

Thủ tướng Lý Quang Diệu nói: “Khi tôi hướng mũi nhọn vào xu thế mới điện toán hóa và thanh toán chuyển tiền điện tử, bản thân tôi lại không sử dụng được máy tính mặc dù chúng đã trở nên phổ biến. Vào giữa thập niên 90, khi các bộ trưởng trẻ tuổi hơn gởi được e–mail cho nhau, còn tôi thì phải in các e–mail ra và phúc đáp bằng fax”. Ông tự nhận thấy bản thân đang bị “loại khỏi vòng đấu”, nên ở tuổi 72, ông vẫn quyết định học cách sử dụng máy vi tính. Với thế hệ như ông, điều đó không dễ chút nào, phải mất nhiều tháng học tập mới có thể làm việc với hệ MS Word và gởi e–mail mà không có sự giúp đỡ của các thư ký, nhưng cũng có lúc vẫn còn phạm phải lỗi là để mất một tẹp tin vào lỗ đen, vì kích sai biểu tượng, ông phải nhờ thư ký ở văn phòng hỗ trợ; còn lúc ở nhà, ông phải nhờ Loong – con trai ông, hướng dẫn “để giải quyết những vấn đề huyền bí khác” của máy tính khi bản thân sử dụng bị mắc lỗi. Ông nói: “Phải mất hơn một năm tôi mới yên tâm và thoải mái với cái máy tính của mình”. Ông quan niệm: “Những ai muốn có mặt trong dòng chảy của nền kinh tế mới phải là những người hiểu biết về internet – vi tính”.

Về giáo dục, vào giữa thập niêm 90 – thế kỷ trước, ông đã “đề nghị ủy ban công vụ tổ chức những khóa điện toán(2) sau đại học cho những sinh viên xuất sắc. Một trong số họ, Teo Chee Hean, Bộ trưởng Giáo dục, năm 1997, bắt tay thực hiện một chương trình dành cho các giáo viên sử dụng máy vi tính như một công cụ giảng dạy, cứ hai sinh viên dùng một máy”(3). Nhờ tầm nhìn để xây dựng chiến lược nên giáo dục Singapore đến nay (trong vòng hơn 20 năm) đã đứng vào tốp dẫn đầu giáo dục tiên tiến thế giới. 

Giữa thấy và làm trong giáo dục

         
      Công    nghệ nhân loại đã tiến đến đỉnh cao đang đi vào cuộc sống hằng ngày    như vậy, đòi hỏi người học phải có tư duy phản biện và tính sáng tạo    để đáp ứng nhu cầu việc làm trong thời đại mới, nhưng cách dạy học    theo mẫu có sẵn của ta hiện nay là tình trạng báo động về sự tụt hậu    của giáo dục, rất nguy hiểm...

Cũng mấy ngày tết, một số thầy giáo đến thăm chơi, anh em cũng sôi nổi trao đổi về việc vận dụng giảng dạy như thế nào theo dòng chảy công nghệ 4.0 trong trường phổ thông, về nội dung và phương pháp giảng dạy trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo - kỹ thuật số đang là điểm đến của giáo dục. Một thầy giáo nêu ý kiến, như Gartner(4) dự đoán, đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị sử dụng IoT(5). Đó là nguồn tài nguyên – dữ liệu lớn (Big Data), một thư viện khổng lồ phục vụ nhu cầu tìm kiếm, truy cập một cách nhanh chóng trong việc nghiên cứu, học tập cho của mọi người. Vậy dạy cho học trò là hướng dẫn phương pháp truy cập, tìm kiếm tư liệu và cách tư duy sáng tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đỉnh cao hiện nay là sản phẩm “trí tuệ nhân tạo”, nhưng giáo dục của chúng ta từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy - học chưa thoát khỏi “đường xưa lối cũ”. Kỳ thi hằng năm để tìm kiếm tài năng là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhưng thời gian qua vẫn cứ rơi vào cách dạy - học tủ, thuê rước thầy về dạy - học sao cho sát đề, đi thi cho trúng đề để có giải, có thành tích. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải không biết hiện tượng này, nhưng vẫn im lặng duy trì.  

Dạy học sinh không phải lập trình cho robot

Giáo dục phổ thông chúng ta hiện nay vẫn còn trong tình trạng học theo mẫu, giải theo mẫu, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dạy như thế giống như cách lập trình có sẵn cho người máy – robot, khi gặp tình huống mới phát sinh thì không giải quyết được. Trong khi đó WEF(6) dự báo đến năm 2020, người ta phải giải quyết những vấn đề phức tạp mà trí tuệ nhân tạo chưa có lập trình để xứ lý. Công nghệ nhân loại đã tiến đến đỉnh cao đang đi vào cuộc sống hằng ngày như vậy, đòi hỏi người học phải có tư duy phản biện và tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu việc làm trong thời đại mới, nhưng cách dạy học theo mẫu có sẵn của ta hiện nay là tình trạng báo động về sự tụt hậu của giáo dục, rất nguy hiểm, bởi người học rồi sẽ không xin được việc làm khi bước vào thị trường lao động thế giới.

Võ Nguyên

(1). Phần 2: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thất, 2017. (2). Điện toán: bao gồm kỹ thuật máy tính, công nghệ phần mềm, khoa học máy tính, hệ thống thông tin và công nghệ thông tin. (3). Phần trích trong ngoặc từ trang 254-255 – sđd; (4). Gartner – công ty tư vấn CNTT và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới; (5). Internet vạn vật; (6).WEF: World Economic Forum (diễn đàn kinh tế thế giới).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Ở đâu giáo dục 4.0 ?