Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Nỗi lo khi cải cách giáo dục phổ thông

23/02/2018, 09:47

BT- Chuẩn bị áp dụng thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, ngày 20/1/2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến, công bố thực trạng và kế hoạch triển khai, gợi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại.

                
Một tiết học ở Trường trung học nội trú    tỉnh. Ảnh: Ngọc Lân

Thêm và ghép môn học

Chương trình mới thêm một số môn ở cấp tiểu học và ghép một số môn (gọi là tích hợp) ở cấp trung học, đặt ra một thực trạng hết sức lo lắng cho người thực hiện trong thời gian khá gấp rút. 

Ở cấp tiểu học, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, trong những môn mới đưa vào chương trình, có 2 môn: Tiếng Anh và Tin học – công nghệ, dạy từ lớp 3 đến lớp 5. Theo thông tin của Bộ GDĐT, giáo viên dạy 2 môn này đang thiếu trầm trọng, toàn quốc thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh và 5.607 giáo viên tin học, phải tuyển thêm. Bình quân từ năm học 2021 – 2022 đến 2023 – 2024, mỗi năm phải tuyển mới 2.000 giáo viên/môn (tiếng Anh và tin học).

 Rút kinh nghiệm gì từ một đề án dạy tiếng Anh

Từ tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008 – 2020”, còn gọi là “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020”, với tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, phân bổ cho từng giai đoạn, từ: 2008 – 2010 là 1.000 tỷ đồng, từ 2011 – 2015 khoảng 4.400 tỷ đồng, từ 2016 – 2020 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đề án nêu 7 nhiệm vụ quan trọng về việc dạy và học ngoại ngữ. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường (từ phổ thông đến đến đại học), để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”. Ngoài ra, đề án cũng nêu nhiệm vụ nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức sao cho đến năm 2020, 40% đạt bậc 2, 20% đạt bậc 3… Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng chương trình mới để dạy ngoại ngữ bắt buộc cho hệ giáo dục phổ thông theo các bậc trình độ: tốt nghiệp tiểu học đạt bậc 1, trung học cơ sở đạt bậc 2, trung học phổ thông đạt bậc 3 (B1). Đến năm 2020, 100% học sinh lớp 3 học chương trình tiếng Anh 10 năm và tiến tới phổ cập tiếng Anh tại các trường phổ thông vào năm 2025. Đề án xây dựng kế hoạch nghe ra hết sức lý tưởng, bởi thực hiện được như vậy sẽ góp phần làm chuyển biến rất lớn cho giáo dục quốc dân. Thế nhưng đã hơn 2/3 chặng đường thực hiện đề án, cả nước mới có khoảng 30% học sinh lớp 3, 4, 5 (trên tổng số khoảng gần 8 triệu học sinh) được học tiếng Anh 4 tiết/tuần.

Nhìn vào thực tế kết quả quá trình triển khai thực hiện đề án đến nay nêu lên một cảnh báo thất bại; ngay trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội hồi tháng 10/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mục tiêu của “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020” thiếu thực tế. Sau đó trong phiên chất vấn ngày 16/11/2016, Bộ trưởng Nhạ lần nữa khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện được các mục tiêu trong đề án đặt ra. Đó là chưa đề cập đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn châu Âu.

 Yếu tố quyết định khi thay sách giáo khoa

Việc triển khai thực hiện đề án cho một bộ môn tiếng Anh đã như thế, vậy việc triển khai đào tạo mới giáo viên dạy các môn tích hợp như lý - hóa - sinh và sử - địa ở cấp trung học có đảm bảo đào tạo kịp để nâng cao chất lượng giáo dục như mong muốn hay lại rơi vào vòng rối rắm trong quá trình phân định nội dung bộ môn của giáo viên lên lớp để rồi tiếp tục “rút kinh nghiệm”? Sẽ như thế nào trong khoảng thời gian 3 năm tới (theo kế hoạch của Bộ GDĐT) phải tuyển mới mỗi năm là 2.000 giáo viên/môn (tiếng Anh và tin học) đạt chuẩn để đắp vào khoảng thiếu trầm trọng ở cấp tiểu học? 

Thiết nghĩ, chiến lược phát triển giáo dục, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mới là yếu tố quyết định. Khi đó, việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa đã kéo dài 7, 8 năm qua vẫn chưa ổn định, vậy mà bây giờ mới đặt ra vấn đề đội ngũ giáo viên giảng dạy, như thế có phải kế hoạch thiếu kiểm chứng, chắp vá, liệu có “giục tốc bất đạt” không? Bởi xây dựng chương trình có hay bao nhiêu đi nữa mà người triển khai thực hiện năng lực yếu, không đáp ứng nổi thì sẽ thất bại, rơi vào phá sản. Hao tốn và tai hại không đâu mà lường.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Nỗi lo khi cải cách giáo dục phổ thông