Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Nhất chi mai

11/05/2018, 08:35 - Lượt đọc: 366

BT- Lướt qua faecbook, thấy một giáo viên post lên cành hoa mai nở rộ, và minh họa 2 câu thơ của Mãn Giác thiền sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Tôi vào comment: Mãn Giác nói “một cành mai”, chứ có nói hoa đâu”. Chủ faecebook trả lời: “Hoa chưa rụng hết nên một cành mai ấy chắc chắn có hoa”. Tôi lại tiếp: “Thơ thiền đấy”. Chủ nói: “Tại thơ thiền nên em cố gắng hiểu, nhìn xa hơn câu chữ á”. Chuyện từ đấy.

                
Ảnh minh họa

 Vị trí bài kệ

Đại sư Mãn Giác (滿覺), tên tục Nguyễn Trường (Lý Trường), tuy thọ 45 tuổi (1052 – 1096), nhưng sống qua hai triều vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) và Lý Nhân Tông (1072 – 1127) của nước Đại Việt. Lý Trường thông minh, được vua Lý Nhân Tông mến chuộng, ban cho hiệu, nhưng đam mê thiền học, ông dâng biểu xin xuất gia, trở thành bậc thiền sư lĩnh tụ pháp môn một thời, được vua Lý Nhân Tông và hoàng hậu quý trọng, kính nể, cho xây chùa Giáo Nguyên rồi thỉnh ông về trụ trì. Khi mất, vua thụy hiệu ông là Mãn Giác. Tháng 11/1096, chứng ngộ từ cõi ta bà, sư gọi chúng đến đọc bài kệ (nhan đề “Cáo tật thị chúng” – cáo bệnh, bảo mọi người, do người đời sau đặt). Đây là tác phẩm đã vượt không gian và thời gian sống trong lòng người đọc cả nghìn năm nay. Và suốt nghìn năm, có biết bao người thẩm bình bài kệ ấy, đánh giá là “một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương”, xem ông là “một nhà thơ đại biểu của dòng văn thơ Lý – Trần”, nhưng mỗi người có cách cảm thụ khác nhau, có khi còn trái ngược. Ở đây, chúng tôi chỉ trao đổi một góc nhìn từ câu hỏi trong sách Ngữ văn 10 hiện hành: “Qua bài kệ, anh (chị) hãy làm sáng tỏ lòng yêu đời và cái nhìn lạc quan của tác giả”.

 Tự nhiên nhi nhiên

Năm 2016, chúng tôi có mời nhà văn Nhật Chiêu về tổ chức chuyên đề thơ haikư Nhật Bản và tư tưởng tam giáo trong văn học trung đại Việt Nam cho giáo viên THPT. Khi nói về thiền học trong thơ, chúng tôi có trao đổi với ông câu hỏi trong sách Ngữ văn 10 (bên trên). Ông nói, hỏi thế lại rơi vào cái nhìn của tư tưởng Nho giáo, mà bài kệ viết dưới tư tưởng thiền học của Phật giáo. 

Bài kệ nói “trăm hoa”, không nói riêng một loài hoa nào, “Xuân đi trăm hoa rụng/Xuân đến trăm hoa nở”, luật tạo hóa nó vậy. Cõi đời cũng thế, hết trẻ đến già, chứng kiến mọi việc trôi qua, trong vòng sinh tử, biết nó là thế, tự nhiên nhi nhiên. Hoa nở thì hoa tàn, hoa tàn hoa lại nở, sinh rồi tử, tử lại sinh, là chuyện đương nhiên trong cõi người ta, sinh tử đồng đẵng, không nên thắc mắc về chuyện hoa nở hoa tàn, “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Ở đây thiền sư vượt trên thường kiến của phàm nhơn, đã ngộ nhập vào chân lý Phật kiến của chơn nhơn, đạt cảnh giới thông tuệ để hành vi hài hòa hợp nhất với vũ trụ, tâm bất động, không bị ngoại cảnh lôi cuốn, tác động, biết thế rồi thì không có gì mà băn khoăn về hiện tượng xuân tàn, hoa rụng hết. 

Cành mai của thiền sư

Hình ảnh “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một cành mai). “Đêm hôm qua” chỉ thì quá khứ, cái hình ảnh đã đi qua rồi, nói “một cành mai”, chứ không nói mai nở hay mai tàn, nó hiện hữu của một thực thể, cũng như hàng trăm loại cây khác. Thiền sư gửi gắm chứng ngộ hoa nở, rồi tàn, rồi lại nở - cũng như cõi người, là chuyện đương nhiên về sự biến thiên của sắc tướng, nó như một thế giới ảo mộng, nhưng cái “cành mai” kia là sự sống luôn ẩn tàng, như con người thực (chơn nhơn) là linh hồn vẫn trường tồn. Báo cho thị chúng biết thế.

Tìm hiểu tác phẩm, nếu đem hệ tư tưởng và hệ văn hóa này gán vào hệ tư tưởng, văn hóa kia để khai thác tác phẩm sẽ làm lệch đi giá trị nội dung tư tưởng của tác giả biểu đạt, gửi gắm. Cảm nhận “Cáo tật thị chúng” là rất khó, nếu lưng chừng kẹt vào nhị biên hay gán vào một hệ tư tưởng ngoài thiền học thì đâu còn là bài kệ của đại sư Mãn Giác cáo bệnh với thị chúng nữa. Nên cần xem xét lại câu hỏi trong sách giáo khoa: “Qua bài kệ, anh (chị) hãy làm sáng tỏ lòng yêu đời và cái nhìn lạc quan của tác giả”.

    
    Nguồn tham   khảo: Thuvienhoasen. org; thientongvietnam.net/kinhsach;   thongthienhoc.com; Thiền sư Mãn Giác – Thiền viện Thường Chiếu; Việt Nam   Phật giáo sử luận, tập 1, Nguyễn Lang, Nxb Văn học - Hà Nội 1979.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Nhất chi mai