Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Loanh quanh triết lý giáo dục

07/12/2018, 10:55

BT- Khi nghe trên diễn đàn Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục, không ít thầy cô giáo đặt câu hỏi thế nào là triết lý giáo dục, bởi mấy chục năm đi dạy nhưng chưa biết triết lý giáo dục của nước mình là gì? Thầy cô đặt vấn đề quá lớn, thật nan giải, nhưng chúng tôi cũng có cuộc trao đổi với nhau.

                
Ảnh minh họa

 Triết lý giáo dục 

Triết lý là lý thuyết về những vấn đề nhân sinh và xã hội(1), là những điều được chắt lọc qua trải nghiệm để nêu lên một cách ngắn gọn, súc tích, làm nền tảng trong ứng xử, hành động cho mỗi cá nhân hay cả cộng đồng. Như Karl Jaspers đã cô đúc: “Triết lý là đường dẫn con người về trọng tâm, nơi đây họ mới nhận thức được chính họ trong khi dấn thân vào cuộc đời”(2). Từ đó có thể hiểu triết lý giáo dục là một phát biểu đúc kết ngắn gọn súc tích, đầy đủ làm nền tảng vững chắc định hướng cho việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục.

Khi tìm hiểu, trao đổi với thầy cô giáo, chúng tôi nhận thấy tùy thuộc vào thực tế của mỗi quốc gia, họ đưa ra triết lý giáo dục để phục vụ thiết thực cho đất nước mình. Ở Nhật Bản, từ năm 1879, Thiên hoàng Minh Trị đã ban sắc chỉ giáo dục: “Mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”, triết lý đó tuy có chuyển biến qua các thời kỳ, nhưng nó làm nền tảng cho giáo dục Nhật Bản phát triển đến nay(3). Ở Mỹ, hơn 200 năm trước, Tổng thống John Adams nêu quan điểm: “Trẻ em nên được giáo dục dựa theo nguyên tắc tự do”; triết lý đó được thực hiện xuyên suốt nền giáo dục Mỹ, tự do gắn liền với tôn trọng và trách nhiệm, nhằm đào tạo ra những công dân dễ dàng thích nghi ứng xử với những diễn biến hàng ngày trong cuộc sống; không bó buộc làm cản trở sức tưởng tượng và sáng tạo của trẻ trong kiến thức sách giáo khoa cố định(4). Phần Lan, triết lý giáo dục của quốc gia này là “lòng tin - bình đẳng - hợp tác”; cơ bản là niềm tin vào khả năng của con người, đề cao phương châm dạy để học chứ không đề cao thi cử. Vì mỗi trẻ em đều có những khả năng riêng, tự do phát triển cá tính, tài năng theo nguyện vọng, không thể đánh đồng, cào bằng trong một khuôn đúc nào(5). Một quốc gia rất gần chúng ta, mới hơn 50 năm lập quốc, với diện tích lãnh thổ nhỏ bé chỉ 712 km2 và dân số 5.742.732 người(6), nhưng trong thời gian ngắn, nhờ đầu tư phát triển giáo dục, từ tầm nhìn về “trường học tư duy, quốc gia học tập”, họ nhanh chóng chuyển mình từ quốc gia nghèo khó vượt lên hàng thứ ba thế giới về thu nhập GDP đầu người. Qua trải nghiệm, họ đúc kết rút tỉa bổ sung để xây dựng nền giáo dục luôn phát triển, gần đây đưa ra sáng kiến “dạy ít, học nhiều”, ngắn gọn, nhưng chứa đựng vấn đề lớn về nội dung và phương pháp dạy học, nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy tư duy sáng tạo, xây dựng các thế hệ công dân tự ý thức học tập suốt đời(7). Hay giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước 1975, từ năm 1958, đã đưa ra triết lý giáo dục với ba nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc”, và “khai phóng”(8)…

 Vẫn còn lúng túng

Một thầy giáo lớn tuổi trao đổi, triết lý giáo dục định hướng cho sự phát triển tương lai của dân tộc hết sức quan trọng. Bởi “sản phẩm” của giáo dục là con người, đó là tài sản thiêng liêng vô giá của quốc gia. Biết rằng đúc kết đưa ra một triết lý giáo dục phù hợp để phát triển đất nước là rất khó, không thể chủ quan. Vì nó định hướng cho việc biên soạn nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, thi cử… để bồi đắp, nuôi dưỡng, đào tạo tuổi trẻ thành những công dân hữu ích cho sự phát triển của quốc gia, nên không có triết lý giáo dục thì cực kỳ nguy hiểm. Bởi không có kim chỉ nam dẫn đường thì sẽ loanh quanh không tìm ra lối thoát, không biết tương lai dân tộc sẽ đi về đâu.

Ở nước ta, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhiều trí thức đã từng đặt ra vấn đề triết lý giáo dục với Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua thì mới rộ lên trên diễn đàn hội nghị khi đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Ngay lúc ấy Bộ trưởng Nhạ im lặng, đến khi thảo luận về Luật Giáo dục, Bộ trưởng nói: “Bộ đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một triết lý giáo dục mang tính thống nhất cao, có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây”(9). Một thầy giáo khác ngồi cạnh đập một phát tay vào vai tôi: Trời đất, đã kỷ niệm 73 năm Quốc khánh rồi, vậy mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng chưa trả lời được triết lý giáo dục của nước ta là gì thì làm sao bảo giáo viên hiểu nổi!

Võ Nguyên

(1), (2), (3),(4),(5), (7), (8), (9) nguồn: Từ điển tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học, TT Từ điển ngôn ngữ Hà Nội – Việt Nam. 1992; www.triethoc.edu.vn; http://soha.vn; cse.hcmussh.edu.vn; Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; /tapchimattran.vn; h/www.viet-studies.info; hanoimoi.com.vn; (6): Theo thống kê năm 2018 - https://vi.wikipedia.org, danso.org/singapore



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Loanh quanh triết lý giáo dục