Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Cứ hoài nghịch lý

12/10/2018, 07:50 - Lượt đọc: 33

BT- Sáng chủ nhật, thấy nhóm cô giáo đang ngồi bấm điện thoại trong quán cà phê. Một cô tách nhóm về trước vì đến giờ dạy kèm ở nhà. Những cô còn lại vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại và bàn tán về việc giao dịch hàng trên mạng.

                
Ảnh minh họa

Gánh nặng hai vai

Họ biết chúng tôi, nên khi tán chuyện, tôi trêu: Sao cứ tập trung marketing online mà chẳng thấy bàn chuyện chuyên môn. Một cô chắp tay hướng về phía tôi: Lạy “sư phụ”, giờ nào việc ấy, dạy xong rồi còn phải tranh thủ, không nhờ bấm điện thoại thế này để có đồng vô đồng ra phụ vào cho con ăn học thì “đoi” cả nhà đấy. Tôi hỏi (tuy không tế nhị) bình quân thu nhập giao hàng như thế được bao nhiêu. Cô ấy bảo hơn lương chính thức. Rồi cô cười: Bọn em không dạy thêm nên phải tìm cách khác để thu nhập. Bây giờ ngoài chuyện nghề tay trái kiểu nuôi heo, làm ruộng như ngày trước thì phải nghiên cứu “dịch vụ” chứ. Tranh thủ marketing online với khách hàng là nghiêm túc, chính đáng, đừng bán đồ giả lừa khách hàng mang tội ác là sang trọng rồi. Cô bên cạnh tham gia: Không lẽ cứ mãi ngồi chờ lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến năm 2010, giáo viên “sống bằng lương” (tức chỉ sử dụng đồng lương là đủ chi phí trong gia đình, không cần phải làm gì thêm). Mà năm 2010 đã đi qua 7, 8 năm rồi, nhưng có thấy gì đâu, còn ổng thì chuyển đi làm chuyện khác rồi, đâu còn làm Bộ trưởng nữa. Tiếng Việt mình có hiện tượng nói lái cực hay “sư phụ” nhỉ. Tôi hỏi nói lái gì. Thì tuyên bố của Bộ trưởng ấy mà. Nói xong, mấy cô nhìn tôi cười rúc rích cỏ vẻ trêu chọc.

Khi về tôi hỏi thằng cháu làm kế toán bên giáo dục về lương giáo viên. Nó ngồi giải thích một hồi về Thông tư liên tịch số 21/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập ban hành năm 2015 của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Nội vụ, hệ số lương khởi điểm tốt nghiệp (KĐTN) đại học: 2,34, tốt nghiệp cao đẳng: 2,10; tốt nghiệp trung cấp: 1,86. Nó ví dụ như lương khởi điểm giáo viên tiểu học hạng IV (hệ số lương viên chức loại B), hệ số lương KĐTN trung cấp: 1,86, kết quả là 1,86 x 1.390.000 đồng + 35% tiền đứng lớp, trừ 10,5% tiền bảo hiểm; số lương còn lại nhận là: 3.218.823 đồng. Còn hệ số lương KĐTN đại học: 2,34, kết quả: 2,34 x 1.390.000 đồng + 35% tiền đứng lớp, trừ bảo hiểm: 10,5%; còn nhận được 4.049.487 đồng. Hỏi còn khoản nào nữa không? Nó bảo còn, nhưng còn trừ chứ không phải cộng. Hỏi trừ những gì nữa? Nó bảo trừ các quỹ hỗ trợ. Rồi kê ra hàng loạt, như: công đoàn phí, hỗ trợ người nghèo, khuyến học, thiên tai, bão lụt… Ông anh tôi ngồi cạnh chen vào, con Thiên nhà mụ Hồng xóm dưới đi làm osin trong thành phố được ăn uống mà tháng lãnh đến 4 triệu đồng đấy.

 Biết đến bao giờ

Tôi đem chuyện kể cho anh bạn nhà giáo nghe. Anh nói, mức lương giáo viên nhiều nước cao lắm, như: Hàn Quốc, lương bình quân là 43.874 USD/năm (khoảng 877 triệu đồng); Hà Lan: 37.218 USD/năm (khoảng 744 triệu đồng); Trung Quốc: 17.730 USD/năm (khoảng 350 triệu đồng)... Những nước lương giáo viên rất cao như Đức: 43.791 bảng/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng), còn được trợ cấp thêm căn hộ, nhà ở; Canada: 42.271 bảng (khoảng 1,4 tỷ đồng)(1). Nói đến đây anh cười: Cách đây 10 năm, tôi có đưa cháu thi vào học ở Trường Đại học Công nghệ Nanyang bên Singapore. Lớp cháu có được một số suất học bổng cho sinh viên nghèo, yêu cầu kê khai hoàn cảnh. Cháu phấn khởi ghi nghề cha mẹ là giáo viên. Khi đưa ra xét, các bạn trong lớp cười ầm và la ó lên, bảo cha mẹ đều giáo viên mà kê khai hoàn cảnh khó khăn là sao. Cháu mắc cỡ quá, ngẫm tính, bình quân lương giáo viên ở Singapore khoảng 45.755 USD/năm (hơn 910 triệu đồng - có lẽ lương giáo viên cao nhất trong khối ASEAN)(2), gấp 10 đến 12 lần lương cha mẹ mình ở quê, nhưng bạn bè ở cái xứ sở này chúng đâu có biết, phần tự ái dân tộc, nên chỉ ngồi im không giải thích.          

Anh nói, tôi còn vài năm nữa là hưu, bàn chuyện lương bổng nghe xưa như quả đất, không xa lạ gì, nhưng rất thấm thía tác dụng của đồng lương với nghề nghiệp. Những cô giáo đâu phải ngồi một chỗ bấm điện thoại mà phải tất bật chạy giao hàng nữa, vất vả lắm đấy. Ở xứ người, họ rất chú trọng đến đầu tư cho đội ngũ thầy cô – nhất là mẫu giáo, tiểu học, xem đó là nền tảng bước đầu cực kỳ quan trọng cho giáo dục về việc hình thành và phát triển nhân cách tuổi trẻ. Còn ở mình, không lo từ gốc rễ, mà cứ chăm chăm vào đổi mới chương trình, viết sách giáo khoa. Thật là nghịch lý.

Võ Nguyên

Nguồn: (1), (2): http://vietnamnet.vn; https://news.zing.vn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Cứ hoài nghịch lý