Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Chuyện ra đề thi

05/04/2019, 10:20 - Lượt đọc: 6

BT- Vừa qua có chuyện đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn lịch sử bị trục trặc, giám đốc sở phải đứng ra xin lỗi học sinh và phụ huynh, một số thầy cô gọi hỏi chúng tôi sao gần đây hay có sự cố đề thi như vậy? Biết trả lời sao khi mình “giã từ vũ khí” mấy năm rồi, nhưng gợi nhớ một thời suốt 30 năm ra đề thi cùng đồng nghiệp.

                
 Đề thi học kỳ II môn ngữ văn lớp 12    bị lộ.

 Chuyện đã qua

Cách đây 32 năm (1986 – thế kỷ XX), Sở (Ty) ra đề môn văn thi tuyển sinh vào lớp 10, khi triển khai chấm thì phải dừng, không chấm được bởi cái đáp án. Ty chỉ đạo cho tổ giám khảo bộ môn thảo luận thống nhất soạn lại hướng dẫn chấm. May hồi ấy không có điện thoại di động, chẳng ai biết messenger, zalo là gì, nên chỉ giải quyết nội bộ, lặng lẽ khuất lấp, chẳng báo chí nào biết đến đưa tin. Thế mà 2 năm sau, trên sở lại điều tôi về làm chuyên môn lãnh “cái của nợ” ấy. Mấy mươi năm, gắn bó một đời, giờ nhớ lại những buồn vui “làm dâu trăm họ” với tháng ngày thi cử.

Ai đã từng trải qua mới thấu hiểu tâm trạng của người làm đề thi. Họ luôn ở tâm thế lo lắng, hồi hộp từ khi bắt đầu ra đề cho đến khi kết thúc kỳ thi. Lo từ kiến thức trong đề - đáp án, đến bảo mật. Đề thường chỉ có 1 trang, đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi phản biện, duyệt, thế nhưng đôi lúc cũng bị “tổ trác”, đến khi giao đề cho học sinh làm bài mới phát hiện ra lỗi. Nỗi lo nữa là sợ lộ đề - nếu để lộ đề thì tai họa vô cùng, vì phải đình chỉ môn thi, không những tốn kém công sức tiền của mà còn mang tiếng xấu về tính bảo mật. Chúng tôi nhớ năm ấy (người ra đề chưa cách ly như sau này), đề đã chuyển về cho các hội đồng thi, sáng hôm đầu tiên thi môn văn, mờ sáng, anh bạn cùng phòng hớt hải đến gặp tôi nói: Lộ đề rồi ! Tôi hốt hoảng, cảm giác co rúm người lại, nhưng cố bình tĩnh: Sao biết? Anh bảo khi hôm ở khu phố của anh học trò rỉ tai nhau đi in tài liệu, bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Nghe thế, tôi cũng không dám trả lời, bởi nói đúng hay sai, người nghe sẽ biết cách loại trừ; im lặng nghĩ đến học trò, chúng “tủ” thế khi thi gặp bài thơ khác liệu có làm bài được không! Rồi lại nghĩ, nếu chúng đoán mò như thế lỡ trúng thật thì sao. Thế nên người có trách nhiệm (có lòng tự trọng, biết sĩ diện) khi làm đề thi cứ luôn thấp thỏm tưởng như đang ngồi trên lửa.

 Không thể chủ quan

Ra đề kiểm tra - thi là công đoạn khó nhất đối với người dạy học. Chỉ nhìn vào cái đề kiểm tra - thi, người ta đánh giá được trình độ năng lực của người dạy. Ra được bộ đề đạt chuẩn, dứt khoát người dạy phải có trình độ chuyên môn vững chắc, nhưng có giáo viên dạy giỏi chưa chắc đã ra được bộ đề hay; còn những giáo viên trình độ chuyên môn yếu kém, chắc chắn không thể ra được bộ đề đạt chuẩn. Bộ đề đạt chuẩn phải xây dựng được hệ thống kiến thức theo từng cấp độ tư duy, phát huy được năng lực của từng đối tượng, từ đó mới có cơ sở để tuyển chọn (nếu tuyển sinh) hoặc để có biện pháp giúp đỡ (bồi dưỡng – phụ đạo) đáp ứng theo trình độ của từng học sinh (trong quá trình giảng dạy). Thực tế hiện nay, không ít giáo viên chưa biết xây dựng ma trận đề, nên khi đánh giá học sinh không có cơ sở khoa học một cách đầy đủ về năng lực của từng đối tượng.  

Nên chọn giáo viên ra đề thi phải biết được thực lực của họ, ai là người có trình độ chuyên môn vững chắc, không thể chủ quan, cảm tính, tùy tiện chọn người quen thân riêng tư – việc cảm tình riêng chọn người này đã từng có để xảy ra những sự cố đáng tiếc – từ việc ra đề sai kiến thức đến chuyện rò rỉ đề ra bên ngoài, gây hoang mang cho học sinh, phụ huynh, tạo dư luận xôn xao trong cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu cho ngành.

Nhớ lại thời gian dài cùng đồng nghiệp bơi trên dòng chảy thi cử này, bản thân cũng vấp phải những sai sót – không có sai sót nào giống sai sót nào, nhưng không đến nổi trở thành sự cố tai tiếng. Nên chúng tôi thấm thía, cảm thông với những thầy cô “có trách nhiệm” khi được giao việc làm đề thi. Khi đang kết thúc bài viết này (8 giờ ngày 3/4) lại nhận được tin: Đề kiểm tra học kỳ II môn ngữ văn lớp 12 bị lộ, học sinh toàn tỉnh phải ngừng làm bài.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Chuyện ra đề thi