Theo dõi trên

“Gieo chữ” trên non

20/11/2018, 08:56 - Lượt đọc: 6

BT- Tháng 11 về, một mùa hiến chương Nhà giáo Việt Nam nữa lại đến. Đâu đó, trên những non cao, vùng sâu, hình ảnh người giáo viên lặng thầm, vượt khó bám trường “gieo chữ” dệt nên những ước mơ tương lai ghi dấu trong sự nghiệp “trồng người”.

                
   Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh    trở lại lớp.

Gian nan vận động học sinh đến lớp

Cuối thu - đầu đông, đường lên xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) thơ mộng, đẹp hơn bởi hai bên đường bạt ngàn bông hoa cỏ lau. Hoa cỏ lau mọc thành từng cụm, nở rộ có màu trắng tinh khôi rung rinh theo làn gió, thu hút ánh nhìn của người đi đường. Dừng chân trước cổng Trường tiểu học Hàm Cần 1, trước mắt tôi là ngôi trường đã cũ kỹ, xuống cấp theo thời gian. Vẳng bên tai là tiếng cô giáo dạy học sinh đánh vần lảnh lót, vang vọng cả núi rừng. Tiếp chuyện chúng tôi, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Loan vừa rót ly nước mời khách, cô vừa kể: “Giáo viên của trường chủ yếu ở đồng bằng lên dạy học. Một khi giáo viên đã xác định công tác ở đây thì phải chấp nhận với nhiều khó khăn. Không chỉ vất vả vượt một quãng đường xa từ đồng bằng để đến được điểm trường mà gian nan hơn làm sao để duy trì được sĩ số lớp học”. Trường tiểu học Hàm Cần 1 có 2 điểm trường, điểm lẻ cách điểm chính khoảng 5 km với tổng số học sinh toàn trường 194 em, chủ yếu là học sinh người dân tộc Rai (chiếm 98%). Trường thực hiện chương trình dạy học 7 buổi/tuần.

                
   Cô Tâm đang dạy học.

Năm học mới đã bắt đầu được nửa học kỳ I, đáng ra thời điểm này học sinh đã đi vào nề nếp, tiếp thu được kha khá kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Thế nhưng, tại Trường tiểu học Hàm Cần 1 giáo viên vẫn còn xoay xở đủ cách để vận động các em trở lại lớp. Để minh chứng điều này, cô Loan dẫn tôi đến phân hiệu lẻ của trường. Dạo qua một vòng các lớp học, nhìn xuống những hàng ghế học sinh, nhiều lớp vẫn còn trống chỗ vì học sinh không đến lớp. Dừng lại ở lớp 3, cô Loan hỏi cô giáo chủ nhiệm: “Hôm nay sĩ số lớp học thế nào?”. Cô giáo chủ nhiệm liền đáp: “dạ, lớp vắng 3 em, không có lý do. Có em đã nghỉ học 2 tuần nay. Mặc dù, tôi đã đến tận nhà vận động phụ huynh đưa các em trở lại lớp nhưng chưa được”. Nói xong, cô Loan cùng cô giáo chủ nhiệm đến ngay nhà các học sinh hôm nay không đến lớp để tìm hiểu nguyên nhân. Đường đến nhà các em chỉ cách trường khoảng 1 km, đi lại rất thuận lợi. Thế nhưng khi thấy chúng tôi đến, các em đã kịp trốn mất, chỉ có phụ huynh ở nhà. Khi được hỏi lý do vì sao không đến lớp, phụ huynh em Nguyễn Thị Khanh (học sinh lớp 3) nói: “Cháu bảo không muốn đi học nữa, ở nhà phụ giúp cha mẹ đi làm rẫy. Gia đình có khuyên con đến lớp nhưng nó không chịu thì biết làm sao bây giờ”. Năn nỉ, mòn mỏi là cụm từ dí dỏm mà các thầy, cô giáo ở Trường tiểu học Hàm Cần 1 nói khi đi vận động các em đến trường. Cái khó khi đi vận động là phụ huynh đưa ra lý do con mình không thích học nữa nên cho nghỉ. Nhưng thực chất không phải vậy mà nguyên nhân chính là các bậc phụ huynh mải lo kiếm cái ăn hàng ngày nên thiếu quan tâm, uốn nắn các em trong học tập. Khai giảng năm học 2018 – 2019, Trường tiểu học Hàm Cần 1 đã nỗ lực vận động học sinh ra lớp đạt 100%. Nhưng trong quá trình học, các em tự ý nghỉ học ở nhà. Hầu như tuần nào cũng có nhiều học sinh bỏ học không lý do. Rải đều ở các lớp, các khối. Do đó, giáo viên ở đây rất vất vả, vừa giảng dạy vừa đi vận động các em trở lại lớp. Có trường hợp vận động mãi học sinh không chịu đến lớp, mỗi ngày vào sáng sớm trước khi lên lớp giảng bài, thầy cô giáo phải đến tận nhà để chở  học sinh nếu không muốn các em chơi trò trốn tìm.

Từ năm 2017, xã Hàm Cần đã thoát nghèo nên Chương trình 135 đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng bị cắt. Do đó, giáo viên dạy ở Trường tiểu học Hàm Cần 1 vẫn hưởng chế độ giống giáo viên ở vùng đồng bằng. Do điều kiện công tác khó khăn, chế độ đãi ngộ không có nên việc thu hút giáo viên về đây giảng dạy rất khó. Hiện trường vẫn còn thiếu 4 giáo viên. Nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên trường vẫn nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn để bám trụ, miệt mài đem con chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số, “ươm mầm” ước mơ trong tương lai. 

Gắn bó với nghề

“Yêu nghề, trót thương các em ở đây nên không thể dứt áo ra đi được”, đó là lời tâm sự của cô Trần Thị Tâm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” tại Trường tiểu học Hàm Cần 1 đã 20 năm. Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho các em, cô còn chăm sóc từng ly, từng tí cho học sinh. Cô Tâm kể: “Đời sống của người dân đồng bào ở đây rất vất vả, thiếu thốn trăm bề. Do đó, phụ huynh hầu như ít quan tâm đến việc học của các em, thường phó mặc cho nhà trường”. Trong hành trang đến trường của cô Tâm, chưa bao giờ thiếu bút, vở, đồ dùng học tập và cả kẹo bánh để làm quà cho các em. Có lúc cô còn trở thành thợ cắt tóc thường xuyên cho các em. Bởi cô nghĩ, so với con mình thì học sinh ở đây thiệt thòi rất nhiều. Vì thế, cô yêu thương các em bằng tất cả tấm lòng của mình. Mặc dù gia đình, bạn bè đã khuyên nhủ cô nên xin chuyển công tác về đồng bằng cho đỡ vất vả và có điều kiện, thời gian chăm lo cho gia đình. Nhưng tình yêu nghề, thương mến học sinh nơi đây quá lớn khiến cô từ chối.

Không chỉ có giáo viên lâu năm mà chúng tôi thấy được sự nhiệt huyết của nghề giáo, dám chấp nhận khó khăn để đem con chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số ở những giáo viên trẻ như cô Chinh Thị Nho (SN 1992). Cô Nho may mắn hơn những giáo viên khác là người ở đây. Với chuyên ngành giáo viên thể dục, sau khi tốt nghiệp ra trường cô được phân công về giảng dạy tại chính quê hương của mình. Hơn ai hết, cô thấu hiểu được những khó khăn của phụ huynh, học sinh nơi đây. Ban đầu cô Nho đảm nhận dạy môn thể dục kiêm giáo viên Tổng phụ trách Đội. Đến năm học này, trường có một giáo viên bị bệnh nặng không thể đứng lớp giảng dạy trong khi đó giáo viên ở trường còn thiếu. Bất đắc dĩ, cô Nho được phân công kiêm thêm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 3 và trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Với cô, đó là một khó khăn, thách thức lớn. Cô Nho tâm sự: “lúc được giao nhiệm vụ tôi thấy đây là một khó khăn, áp lực lớn. Bởi chuyên ngành của tôi là dạy thể dục nên không được đào tạo các môn văn hóa”. Bên cạnh đó, cô Nho cũng gặp nhiều khó khăn khi lớp mình chủ nhiệm hiện nay có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Vì vậy, ngoài thời gian đứng lớp, cô còn tích cực đến tận nhà các em để tìm hiểu hoàn cảnh, vận động phụ huynh cho các em đi học trở lại. Có những ngày sợ học sinh bỏ học lâu sẽ không tiếp thu kịp kiến thức, cô Nho đã đến tận nhà để chở bằng được các em đến lớp.

Vất vả, gian khó là thế nhưng chưa bao giờ, các thầy cô giáo nghĩ đến một món quà trong ngày lễ, tết mà chỉ chuyên tâm việc dạy học. Và tất cả đều có chung một ước mong học trò được bố mẹ, gia đình quan tâm nhiều hơn, các em có cái ăn, cái mặc, quyết chí theo học con chữ để có tương lai tươi sáng hơn. Thế mới biết, nghề “gieo chữ” ở vùng sâu nhọc nhằn, gian khó nhưng rất đỗi vinh quang. Chia tay các thầy, cô giáo Trường tiểu học Hàm Cần 1, trên đường trở về đồng bằng tôi nghĩ đến loài hoa cỏ lau tượng trưng cho vẻ đẹp hoang sơ, sức sống mãnh liệt của núi rừng như chính những người giáo viên nơi đây.

Phóng sự: Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Gieo chữ” trên non