Theo dõi trên

Giáo dục khai phóng

17/11/2017, 11:42 - Lượt đọc: 12

BT- Mô hình “Giáo dục khai phóng” (Liberal Arts Education) có từ rất sớm của nền giáo dục Hoa Kỳ, về sau nhiều nước ở châu Âu và châu Á nghiên cứu và đưa vào áp dụng rộng rãi. Thời gian qua, đến một số trường đại học ở trong nước, chúng tôi thấy có ghi “giáo dục khai phóng” trên các bảng giới thiệu mô hình giáo dục của trường. Nhưng đến thời gian gần đây (16/10/2017), mới thấy hội thảo về “Giáo dục khai phóng: Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam”(1).

                
Buổi tọa đàm về “Giáo dục khai phóng”.

Ý kiến từ hội thảo

Trong hội thảo, những người am hiểu và có trách nhiệm đặt ra nhiều vấn đề từ nhận thức một mô hình giáo dục đến việc áp dụng như thế nào, được hay không, còn là vấn đề lớn ở phía trước. Có ý kiến cho rằng, trước năm 1986, giáo dục đại học Việt Nam theo mô hình của Liên Xô, đào tạo những chuyên ngành rất hẹp. Khi đổi mới, Việt Nam tham khảo mô hình của Mỹ, phân chia thành 2 phần: Giáo dục đại cương và Giáo dục chuyên nghiệp. Nhưng việc đưa giáo dục đại cương vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả những người đầu ngành lúc đó cũng đều được đào tạo tại Liên Xô, nên không chấp nhận giáo dục đại cương. Lại có ý kiến: vào đầu thập niên 90 tại Việt Nam đã xây dựng trường đại học đại cương dạy những kiến thức cơ bản cho sinh viên trước khi chuyển sang đào tạo chuyên ngành là đã bắt đầu đi theo triết lý giáo dục khai phóng. Mặc dù còn có những vấn đề tranh luận, nhưng nhìn nhận từ thực tiễn, có ý kiến cho rằng, đến đầu thế kỷ 21, tinh thần giáo dục khai phóng đang bắt đầu trỗi dậy trên cả thế giới và Việt Nam. Hiện nay, vòng đời công nghệ ngắn nên nếu chỉ theo học một chuyên môn hẹp thì rất dễ thất nghiệp. Vấn đề được đặt ra là: cái khó của giáo dục khai phóng là những người thầy, bởi không có những “người thầy khai phóng” sẽ không có giáo dục khai phóng(2).

 Vì sao giáo dục của ta phát triển quá chậm 

Hội thảo trên là nhằm vào giáo dục đại học, nhưng trong thực tế, nhiều quốc gia đã đưa triết lý giáo dục khai phóng vào nhà trường từ rất sớm, áp dụng cho cả hệ thống giáo dục phổ thông. Bởi “Giáo dục khai phóng” là một mô hình được thiết kế cho giáo dục đào tạo hết sức linh hoạt, có 3 đặc trưng của mô hình giáo dục này là dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống. Tất cả đều nhằm kích thích thúc đẩy cho người học tăng cường khả năng tự do lựa chọn, học tập theo mong muốn, hình thành tính cách và tư chất công dân trong các mối quan hệ cuộc sống, có trách nhiệm với cộng đồng.

Ở Phần Lan, khung chương trình quốc gia và địa phương dành cho giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) để nhà trường làm mục tiêu giáo dục tạo ra mẫu người “tự do, tự chủ và có trách nhiệm”, là mẫu người được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần cho cuộc sống, có khả năng tự học hỏi và tự phát triển bản thân, có đam mê học lên cao và học suốt đời, trở thành những công dân có trách nhiệm, có những cách tư duy mới, có tinh thần và khả năng phản biện, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, có ý thức cộng đồng, tôn trọng tự do cá nhân của người khác, tôn trọng môi trường thiên nhiên(3).

Triết lý giáo dục của nền giáo dục miền Nam Việt Nam từ năm 1959 họ đã đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản, trong đó nguyên tắc “giáo dục khai phóng”, nêu lên vấn đề: Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng kín cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới(4).

 Từ cuộc hội thảo trên, chúng tôi không hiểu tại sao giáo dục nước ta phát triển chậm đến thế? Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo có dự thảo Đề án với tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, nhằm “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030”; trong đó dự kiến 5.000 tiến sĩ sẽ được đào tạo tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Không biết có được Chính phủ phê duyệt hay không! Rất trông chờ sự cải tiến nhảy vọt về giáo dục đại học, cao đẳng của nước nhà.

Võ Nguyên

(1). Do Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Việt – Nhật tổ chức.

(2). Nguồn: giaoduc.net.vn - 18/10/17 (Thùy Linh).

(3). Nguồn: giaoduc.net.vn – 13/09/16 (TS. Nguyễn Khánh Trung) .

(4). Nguồn: hocthenao.vn – 16/10/2013 (GSTS Nguyễn Thanh Liêm).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục khai phóng