Theo dõi trên

Giải quyết giáo viên dôi dư, không dễ

17/11/2021, 07:33 - Lượt đọc: 582

BT- Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành phương án xử lý biên chế giáo viên vượt định mức tại các trường THPT công lập từ năm học 2021 – 2022. Đây là việc làm khó khăn trong thời điểm này, tuy nhiên để đi đúng lộ trình cần phải ổn định mọi khía cạnh nhất là tâm lý giáo viên…

Ảnh minh họa: Đ.Hòa

Theo phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo, khi thực hiện tinh giản biên chế, nhất là biên chế giáo viên cấp THPT vượt định mức trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới dứt điểm vào cuối năm 2022. Qua đó, mục đích sẽ đảm bảo nhu cầu về đội ngũ giáo viên cấp THPT, đồng bộ về cơ cấu bộ môn và chỉ tiêu biên chế, quỹ tiền lương được giao hàng năm tại các đơn vị.

Sở đã yêu cầu các đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và hiệu trưởng các trường THPT công lập trong việc xử lý dứt điểm tình trạng biên chế giáo viên vượt định mức. Đồng thời nghiêm túc thực hiện hiệu quả chủ trương, biện pháp sắp xếp lại đội ngũ, thực hiện tinh giản biên chế của UBND tỉnh. Việc xử lý biên chế giáo viên vượt định mức phải đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng, đúng đối tượng, hợp tình, hợp lý, giữ được ổn định và phát triển của ngành.

Theo đó, phương án này áp dụng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên và nhân viên trong biên chế nhà nước đang công tác tại các trường THPT công lập trực thuộc Sở GD-ĐT. Sở sẽ áp dụng giải pháp, biệt phái giáo viên, theo tinh thần Công văn số 4271/UBND-SNV ngày 24/11/2015 về công tác biệt phái giáo viên cấp trung học phổ thông dôi dư do vượt định mức cơ cấu bộ môn sang giảng dạy cấp trung học cơ sở thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. Quá trình này sẽ thực hiện từ nay cho đến tháng 12/2022. Rà soát, sắp xếp, phân công bố trí giáo viên, nhân viên trường học dôi dư theo hướng kiêm nhiệm nhiệm vụ khác phù hợp.

Theo tờ trình của Sở Nội vụ, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo được HĐND tỉnh giao năm 2021 là 19.721 người, nhưng năm 2022 là 19.753 người, tăng 32 người so với năm 2021, chiếm tỷ lệ 0,16%. Trong đó, ở cấp tỉnh các trường THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được giao 2.407 người, giảm 20 người so với năm 2021 (trong đó biên chế giao theo định mức là 2.367 người, tăng 5 người so với năm 2021). Ở cấp huyện giao 17.082 người, tăng 52 người so với năm 2021, trong đó biên chế giao theo định mức quy định là 17.042 người, tăng 52 người so với năm 2021 (gồm giảm 3 người ở mầm non, tăng 124 người ở bậc tiểu học, giảm 69 người ở bậc THCS). Theo Sở Nội vụ, lý do là căn cứ kế hoạch trường lớp năm học 2020-2021, đã tham mưu UBND tỉnh bố trí biên chế giáo viên ở bậc tiểu học để giảng dạy cho 118.783 học sinh với 4.132 lớp, trong đó có 3.681 lớp 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, kết quả thực hiện giảng dạy lớp 2 buổi/ngày năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh chỉ đạt 2.925 lớp, do ở một số địa phương chưa đảm bảo đủ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Trong đó, thị xã La Gi đạt 100% cơ sở giáo dục dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương còn lại thực hiện trên 85% (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc), riêng Hàm Thuận Nam đạt 33,3% số trường dạy 2 buổi/ngày, thấp nhất so với mặt bằng chung của tỉnh. Để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm biên chế giao trong điều kiện toàn tỉnh đang tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, Sở Nội vụ bố trí dự phòng biên chế bổ sung lớp 2 buổi/ngày tăng thêm của năm học 2021-2022, để bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết giáo viên dôi dư, không dễ