Theo dõi trên

Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến

11/11/2021, 07:37

BT- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ các trường phổ thông mà các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch và phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời gian này để đảm bảo an toàn cho học sinh. Do vậy, làm thế nào để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả nhất là vấn đề được các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ và học sinh quan tâm.

Một tiết giảng tại Trường THCS&THPT Lê Lợi được quay video chuyển đến học sinh.

Những thuận lợi, khó khăn

Tại hội thảo “Dạy học trực tuyến” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với  Trường Đại học Phan Thiết tổ chức cuối tuần qua. Tiến sĩ Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Dù là giải pháp tình thế, nhưng đây được xem là giải pháp tối ưu trong thời gian này. Thuận lợi của việc áp dụng phương pháp dạy học mới này là các lớp học có sự tương tác cao giữa người học và người dạy, giúp học sinh, sinh viên nắm vững kiến thức chương trình bài học và ngành giáo dục có thể thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022. Tuy vậy, phương pháp giảng dạy trực tuyến cũng có những hạn chế nhất định như đường truyền mạng yếu dẫn đến việc dạy học bị ngắt quãng, nhiều học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Phạm Quốc Hùng – chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Việc dạy học online là đảm bảo công tác phòng chống dịch, chương trình học và bảo vệ được sức khỏe cho thầy trò trước tình hình dịch diễn biến khó lường. Đây còn là cơ hội để học sinh phát huy năng lực tự giác, tự học, sáng tạo và thầy trò được hội nhập với cuộc cách mạng công nghệ số… Hiện nay cấp mầm non, tiểu học (lớp 1 và 2) chương trình học triển khai không khả thi, việc học trở nên nặng nề vì các em quá nhỏ chưa quen thao tác, chưa thích ứng an toàn trong điều kiện học trực tuyến, phụ huynh phải kèm học. Một bộ phận giáo viên không nhanh nhạy, thích ứng công nghệ số dẫn đến không biết cách xây dựng, thiết kế bài giảng, các dạng bài tập phù hợp, không có sự tương tác giữa thầy và trò, bài học khô khan, truyền thụ kiến thức một chiều…

Tại Trường Đại học Phan Thiết, thời gian qua triển khai hướng dẫn sinh viên học trực tuyến với phần mềm Microsoft Teams. Phần mềm này có chức năng ghi lại bài giảng, giúp cho sinh viên xem lại buổi học và vẫn đảm bảo đúng tiến trình học tập. Việc học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sinh viên sử dụng điện thoại thông minh học tập trực tuyến chiếm đến 55,7%. Lượng pin điện thoại không đủ để sử dụng hết buổi học mà việc vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin sẽ nguy hiểm dẫn đến cháy nổ và khó thực hiện các bài tập mà thầy, cô giao trên điện thoại...

 Tăng cường giải pháp hiệu quả

Trước những khó khăn đó, ông Phạm Quốc Hùng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy học trực tuyến. Cụ thể, tổ chức dạy học theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học” đối với học sinh bậc tiểu học. Linh hoạt, sáng tạo trong dạy học trực tuyến, trên truyền hình kết hợp chặt chẽ, không áp dụng quá cứng hay chỉ đạo dạy học trực tuyến một cách đồng loạt. Tùy theo đánh giá cấp độ dịch bệnh của từng địa phương để tham mưu UBND tỉnh lựa chọn hình thức phù hợp nhằm đảm bảo chương trình và kiến thức cho học sinh…

  Theo Phó Giáo sư, TS. Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết, để khắc phục những khó khăn trong quá trình học trực tuyến, nhà trường cần có những chính sách, hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên kịp thời nhằm đảm bảo việc học của sinh viên không bị gián đoạn. Đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập và sống ở khu vực khó tiếp cận, kết nối mạng internet. Giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập của sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân.

Còn đại diện Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận đưa ra giải pháp, sau mỗi buổi học, giảng viên phải có phương pháp đánh giá và tổng kết chất lượng và nội dung buổi học từ học viên, kịp thời động viên khen thưởng những học viên tích cực tham gia nhiệt tình vào buổi học. Giảng viên cần xây dựng 1 bài giảng powerpoint theo hướng tinh gọn, đơn giản gắn với tăng tính hứng thú cho học viên trong buổi học trực tuyến, tăng cường tính tương tác, sự tham gia của học viên vào bài giảng nhiều hơn...

Với những giải pháp trên sẽ góp phần giúp ngành giáo dục tỉnh nâng cao hiệu quả việc dạy học trực tuyến, trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19 chưa lắng xuống.

  Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến