Theo dõi trên

“Giải cứu”… san hô dưới đáy biển

08/02/2021, 12:35

BX- 4 chiếc ca nô rẽ sóng dưới làn nước trong xanh ngắt của buổi sáng sớm chở theo “biệt đội” khoảng hơn 30 người hướng về Gành Hang (Phú Quý) với đầy đủ các đồ nghề. Chiến dịch tiêu diệt loài địch hại hủy diệt san hô đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ sau vài giờ đồng hồ dưới đáy biển sâu, hàng ngàn con sao biển gai đã được tập kết về bờ tiêu hủy.

“Biệt đội” bắt sao biển gai

Đúng 7 giờ sáng, tại điểm hẹn Bãi Phủ, những “chiến binh” trong những bộ đồ lặn khá chuyên nghiệp có mặt đông đủ với mục tiêu quyết tâm. 4 chiếc ca nô đã chờ sẵn để đưa các “chiến binh” di chuyển ra vị trí Hòn Đen và Gành Hang cách nơi xuất phát gần 2 hải lý – địa điểm tập trung số lượng sao biển gai nhiều nhất. Tranh thủ thời gian, từng thành viên trong nhóm theo như kế hoạch đã lên sẵn, chia ra từng nhóm nhỏ. Trong tích tắc, những “chiến binh” nhào lộn lao thẳng xuống mặt nước trong bộ đồ nhái ôm sát, những thành viên lặn chuyên nghiệp mang theo cả chân vịt. Để bắt sao biển gai nằm dưới đáy biển, “biệt đội” phải lặn xuống và dùng kẹp sắt gắp bỏ chúng vào giỏ. Ngoài kỹ năng lặn để không đạp phải san hô, người lặn còn phải cẩn thận để tránh đụng phải những chiếc gai độc gây đau nhức.

“Chiến binh” đang lặn bắt sao biển gai.

Từ dưới đáy biển sâu gần 5 mét, những rạn san hô đủ màu sắc đang phơi mình như bức tranh vẽ, len lỏi trong đó là những con sao biển gai đang ẩn náu. Tài – một thợ lặn chuyên nghiệp của nhóm năm nay mới 25 tuổi, nhưng đã có hơn 15 nămlàm nghề lặn. Tài có nước da đen chắc nịch, dân đảo thứ thiệt, cũng là người khởi xướng thành lập nhóm bắt sao biển gai. Những năm trước, Tài chuyên lặn bắt hải sản ở đảo Hoàng Sa để mưu sinh. Nhờ thường xuyên lặn nên Tài phát hiện loài sao biển gai ở vùng biển Phú Quý thời gian gần đây khá nhiều, nếu không có kế hoạch tiêu diệt chúng thì những rạn san hô trên đảo sẽ ngày càng bị hủy diệt hết. Nắm rõ từng khu vực nào có nhiều sao biển gai, nên vừa lặn xuống nước, Tài đã thu về đầy một rổ những con sao biển gai với hình dạng xù xì.

Cứ thế, cuộc lặn bắt sao biển gai vẫn liên tục diễn ra dưới đáy biển sâu. Những “chiến binh” thay nhau lùng sục từng khe đá gắp chúng bỏ vào rổ. Sau khi đầy rổ, họ kéo về nơi tập kết. Đến 11 giờ trưa, dưới cái nắng gắt của biển, hơn 4 giờ đồng hồ, “chiến lợi phẩm” thu về hơn 1.000 con sao biển gai được đưa về bờ tiêu hủy. Ai cũng cảm thấy đầy thú vị và phấn khởi. Cả nhóm lên ca nô về nơi nghỉ trưa, nạp năng lượng chuẩn bị tiếp cho hành trình buổi chiều.

Sau 1 ngày lặn bắt, những “chiến binh” ai nấy cũng chuyển màu da đen, thấm mệt, người rã rời vì đắm mình trong nước. Hơn 2.000 con sao biển gai được tập kết vào bờ tiêu hủy, cả nhóm như tan đi hết những mệt nhọc, niềm vui vỡ òa khi nghĩ đến những rạn san hô đã được “giải cứu”.

Lan tỏa tình yêu biển

Trong những “chiến binh” tham gia lặn bắt sao biển gai đợt này, không chỉ có anh em ở đảo, mà còn có cả những tình nguyện viên ngoài tỉnh, đó là những ngư dân, những hướng dẫn viên du lịch… họ tình nguyện tham gia chỉ với một tinh thần yêu biển, muốn bảo vệ môi trường biển.

Cả nhóm tập kết sao biển gai về bờ tiêu hủy.

Nguyễn Văn Linh (30 tuổi) – một tay lặn chuyên nghiệp đồng thời là hướng dẫn viên gốc đảo,Linh cũng là người mở màn, lên chương trình và truyền thông, có nhiệm vụ kết nối nhóm và vận động tình nguyện viên tham gia bắt sao biển gai. Linh cho biết: Lúc trước số lượng sao biển gai không nhiều lắm, nhưng những năm gần đây do mức độ khai thác các địch thủ sao biển gai quá mức (ốc tù và, ốc bươu…) dẫn đến số lượng tăng đến mức không kiểm soát. Những rạn san hô vùng biển Phú Quý chết trắng do loài này phá hủy. Trước tình hình này, nhóm lên ngay kế hoạch lặn bắt. Năm 2019 thực hiện 2 lần, trong năm 2020 tiếp tục thực hiện 4 lần, dự tính trong năm tới tần suất lặn bắt sẽ nhiều hơn. “Từ chiến dịch diệt sao biển gai, đã lan tỏa những điều tích cực về vấn đề bảo vệ môi trường biển. Số lượng tình nguyện viên đăng ký ngày càng đông”, Linh phấn khởi cho biết. Kế hoạch tiếp theo trong năm mới, nhóm sẽ thực hiện một việc lớn hơn, đó là đã kết nối các thành viên của Greentrip Việt Nam để “giải cứu” môi trường biển. Với chỉ tiêu trong 1 ngày sẽ thu gom khoảng 2.000 bao rác thải trên bờ lẫn dưới biển.

Với các tình nguyện viên, mong chiến dịch ý nghĩa này sẽ được duy trì thường xuyên và cần sự chung sức của nhiều người trong những lần tiếp theo, ngoài bảo vệ những rạn san hô, còn đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển và lặn biển ngắm san hô.

    
Sao biển gai có đến 21 tay được bao phủ   bởi những gai nhọn sắc. Sinh vật độc hại này chuyên ăn san hô. Chỉ trong   1 đêm, mỗi con sao biển ăn hết một lượng san hô bằng với đường kính cơ   thể của nó. Hàng năm, từ tháng 12đến tháng 4 năm sau là mùa sao biển gai   sinh sản. Chúng có thể tiêu diệt những rạn san hô có độ che phủ khoảng   25 - 40%, chỉ còn lại ít hơn 1%. Và những rạn này phải cần đến 10 năm   hoặc dài hơn nữa để phục hồi.

Khánh Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Giải cứu”… san hô dưới đáy biển