Theo dõi trên

Giấc mơ đến trường của Thảo

01/04/2019, 08:54 - Lượt đọc: 1

BT- Ở Trường tiểu học Hàm Chính 3 (Hàm Thuận Bắc) có một cô học trò hoàn cảnh hết sức éo le, nhưng rất đam mê con chữ, đó là em Nguyễn Thanh Thảo (lớp 3A).

 Sinh ra ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nhưng chưa đầy 1 tuổi ba mẹ đã bỏ rơi. Thương đứa trẻ mồ côi, ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Trần Thị Út (người hàng xóm) đã nhận về nuôi. Dù gia cảnh ông bà khá chật vật, không có tài sản ruộng vườn, hai con lớn phải đi lập nghiệp xa, bản thân cũng làm thuê làm mướn. Đến tuổi đứa trẻ đi học, nhưng trước khi đi ba mẹ không để lại giấy tờ gì, ông bà đành xin xác nhận làm con nuôi và đặt tên bé là Nguyễn Thanh Thảo. Cuộc sống mưu sinh cuốn ông bà đến vùng đất Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) bằng nghề phụ hồ, làm thuê cho các vườn thanh long. Nơi đất khách quê người, không có tiền mua đất, thuê trọ, 3 năm trước người cháu họ đã sửa lại khu đất từng dùng để chăn nuôi chừng 12 m2 tại tổ 8, thôn Ninh Thuận, cho 3 ông bà cháu tá túc trong những ngày nắng, ngày mưa.

Bà Út xúc động kể: “Thiếu hơi mẹ từ nhỏ nên con bé đau ốm miết. Bây giờ đã 10 tuổi nhưng chỉ 30 kg, vậy mà 3 năm nay con bé chưa nghỉ học buổi nào, dù lắm lúc phải đi bộ gần 2km, do chiếc xe đạp cũ được người hàng xóm cho dở chứng đứt xích, gãy sườn. Có những bữa sáng bà ngoại bệnh không kịp nấu, phải ăn vội chén cơm nguội chan xì dầu đến tội nghiệp. Sau giờ tan trường cháu lại ùa vào phụ ngoại nấu cơm, giặt quần áo, rồi tíu tít kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện được cô giáo khen vì thường xuyên phát biểu xây dựng bài. Đi học chỉ có 2 bộ quần áo đồng phục cũ người ta cho từ năm học trước và một bộ đồ thể dục cũng đã hoen màu. Chiếc cặp sách màu hồng thì sử dụng mấy năm nay rồi, đến cái kệ sách cũng không có nhưng cháu chẳng bao giờ đòi hỏi, than phiền. Mới rồi Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc cho chiếc đèn học, nó mừng lắm, liền trả ngay chiếc đèn xạc cho ông ngoại. Cái nghèo, cái khổ bám riết vợ chồng tôi mấy chục năm nay rồi, vì thế cũng mong cháu biết mặt chữ, sau này có đi làm thuê còn biết đọc, biết tính toán”.

Trong túp lều tạm nhỏ xíu, lật từng trang vở, tờ giấy khen của cháu mà lòng ông Sơn ngổn ngang trăm bề, không biết rồi đây Thảo sẽ thế nào khi ông bà đã ở tuổi xế chiều. Mới đây Ban điều hành thôn Ninh Thuận đã hướng dẫn ông Sơn làm tạm trú dài hạn để nhận những hỗ trợ từ chính quyền. Nhìn khuôn mặt ngây thơ của em, tôi chợt nghĩ, cùng trang lứa đến trường như bao đứa trẻ khác nhưng sao Thảo lại phải chịu nhiều mất mát về tinh thần như thế. Liệu rằng ước mơ trở thành bác sĩ để giúp đỡ những phận đời có hoàn cảnh như em có thành hiện thực, khi con đường đến trường của em có thể phải dừng lại bất kỳ lúc nào, nếu như lúc này không nhận được sự giúp đỡ, tiếp sức từ xã hội.

Rất mong sự góp sức của mọi người, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức cho em đeo đuổi trên con đường học tập.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mơ đến trường của Thảo