Theo dõi trên

Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học sinh

15/10/2018, 08:18

BT- Qua 5 năm (2014 – 2018), thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này.

                
      
   ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục    và Đào tạo.

Thưa ông, Nghị quyết 29 đã được thực hiện 5 năm qua. Vậy theo ông, những kết quả nào được xem là đổi mới có tính đột phá của ngành giáo dục tỉnh nhà?

 Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, nét nổi bật là công tác quản lý giáo dục đào tạo được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng, thực hiện tốt chủ trương tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; đổi mới đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Theo đó, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện khá tốt chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học trong nhà trường; công tác giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp được triển khai tốt; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được đẩy mạnh; thực hiện tốt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2016 - 2020”...

Cùng với đó, ngành giáo dục đã đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; hướng dẫn học sinh biết tự nhận xét, đánh giá và biết nhận xét góp ý nhau trên tinh thần xây dựng. Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, đề kiểm tra các môn theo các mức độ từ thấp đến cao, trong đó chú trọng mức độ vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; thực hiện kiểm tra chung ở một số môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa...; việc thi, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ được tập trung ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chú trọng thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên và trường phổ thông DTNT tỉnh. Sau những năm thực hiện đổi mới, chất lượng trường THPT chuyên được nâng cao, kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam hàng năm đều tăng so các năm trước. Chất lượng thi tốt nghiệp THPT quốc gia của trường phổ thông DTNT tỉnh đều tăng hàng năm.  Ngành giáo dục của tỉnh được ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường học, xây mới, sửa chữa các công trình, phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ; trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các hoạt động dạy và học; hệ thống trường lớp ở các cấp học tiếp tục được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh.

Thời gian qua, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá, nhận xét học sinh cũng như việc thực hiện các kỳ thi đã có nhiều đổi mới được dư luận đánh giá cao, xin ông cho biết việc thực hiện có gặp khó khăn?

 Đối với cấp THCS và THPT, trên thực tế việc đổi mới phương pháp dạy học còn những khó khăn do sức ỳ của đội ngũ. Trong cán bộ, giáo viên vẫn còn một bộ phận năng lực hạn chế, việc tự học, tự rèn để vươn lên chưa cao; ý thức tự bồi dưỡng của một bộ phận giáo viên còn mờ nhạt. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, một bộ phận giáo viên năng lực chuyên môn, chất lượng giảng dạy còn thấp, chưa tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Một số cán bộ quản lý, giáo viên thiếu tự tin, còn lúng túng, ngại khó, chưa xác định hết trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lớp học theo mô hình dạy học sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng còn nhiều rào cản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy được đầu tư khá lớn, song nhìn chung vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng một cách tốt nhất để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, dạy học 2 buổi/ngày và các hoạt động giáo dục khác. Thiết bị và tư liệu phục vụ công tác dạy và học còn thiếu so nhu cầu. Hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, THPT còn thấp do sự kết hợp chưa chặt chẽ, thiếu hài hòa, không hợp lý giữa nhu cầu lao động (việc làm) và kế hoạch đào tạo của địa phương. Do vậy, còn có một bộ phận học sinh trong trường phổ thông thờ ơ với mục đích học tập, thiếu hợp tác trong thực hiện các hoạt động học theo mô hình tích cực, sáng tạo; còn hạn chế về năng lực tự học, kỹ năng thực hành.

Với cấp tiểu học, thực hiện các yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học theo Thông tư 22, cơ sở vật chất của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; một số trường có sĩ số học sinh khá đông (35-40 em/lớp) nên việc tổ chức ngồi học theo nhóm chưa thật thuận lợi. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ hiểu chưa thật sâu kỹ Thông tư 22; chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh; do mới tiếp cận việc thay đổi nên còn lúng túng, máy móc, việc đánh giá khen thưởng học sinh còn bất hợp lý.

Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, đồng thời thực hiện các Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, ngành giáo dục tỉnh nhà sẽ thực hiện như thế nào, có khó khăn gì, thưa ông?

Hiện cả nước nói chung và ngành giáo dục Bình Thuận nói riêng đang tập trung thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương với nhiều điểm mới, mà cái mới thì bao giờ cũng có mặt thuận lợi và khó khăn nhất định. Thực  hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Sở GD & ĐT đang trong quá trình sắp xếp tinh gọn đầu mối các phòng, ban tham mưu theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là một việc cần thiết phải làm để nâng cao hiệu quả của bộ máy các cơ quan tham mưu theo hướng tinh gọn, tránh trùng lắp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; tuy nhiên sẽ đụng đến tâm tư, băn khoăn của đội ngũ cán bộ công chức khi tiến hành sắp xếp lại. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước luôn xem “GD&ĐT là ngành có tính chất đặc thù được đề cao là “quốc sách hàng đầu”, coi đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho sự phát triển tốt nhất, nhanh nhất cho đất nước”. Với quan điểm xuyên suốt đó, việc thực hiện Nghị quyết 18, 19 hướng đến nâng cao hiệu quả, chất lượng của giáo dục và đào tạo ngày càng tốt hơn, tương xứng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở sự quan tâm thì chưa đủ, mà phải có sự chung sức chung lòng của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị với những hành động cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Thanh ThỦy (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học sinh