Theo dõi trên

Đôi điều về mô hình dạy học VNEN

11/10/2019, 09:15

BT- Trong khi nhiều tỉnh, thành khác đang xem lại mô hình dạy học mới VNEN vì có quá nhiều bất cập thì tại Bình Thuận, mô hình này vẫn duy trì. Những trường đang học chương trình hiện hành với sách giáo khoa hiện hành cũng phải dạy học theo mô hình VNEN. Thế là cái kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia, kiểu dạy nửa nạc nửa mỡ đã làm cho nhiều giáo viên điêu đứng, làm cho học sinh căng thẳng trong cách học, cho phụ huynh mệt mỏi khi phải học cùng con.

                
Dạy học theo mô hình VNEN ở Trường tiểu học    Đức Nghĩa (TP Phan Thiết). Ảnh: Đình Hòa

 Rằng hay thì thật là hay…

Ở mô hình VNEN, giáo viên không còn là người “truyền đạo” mà đóng vai trò tổ chức, điều khiển, hướng dẫn học sinh học tập. Giáo viên sẽ là “giám sát viên” để hỗ trợ học sinh tự học. Giáo viên không còn làm thay học sinh, không còn thuyết giảng những điều thầy cô biết, thầy cô hiểu.

Thông qua việc hướng dẫn các em tự học để giúp học sinh hiểu, tự mình tìm kiến thức và sẽ nắm chắc kiến thức tránh kiểu học vẹt, nhớ xổi. Thầy cô chỉ hỗ trợ trực tiếp khi có sự yêu cầu trợ giúp trực tiếp từ các em. Từ đó, học sinh sẽ phát huy được tính tự tin, tự lập, sự năng động và sáng tạo trong học tập.

Là giáo viên tiểu học đã từng dạy chương trình hiện hành theo VNEN và hiện đang dạy chương trình VNEN, tôi nhận thấy, mô hình dạy VNEN chưa thật sự phù hợp với tình hình giáo dục thực tế hiện nay của chúng ta. Kiểu học ấy chỉ thích hợp với học sinh giỏi, học sinh có tính tự lập cao, có khả năng tự học… Số này trong các lớp học của chúng ta chỉ chiếm khoảng 30% học sinh là nhiều. Và mô hình dạy học này chỉ thật sự phát huy khi lớp học chỉ có khoảng 15 - 20 học sinh/lớp như tại xứ sở “mẹ đẻ” của nó là nước Colombia. 

Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác

Thực tế các trường học của chúng ta hiện nay, sĩ số lớp học được xem là chuẩn cũng đã lên tới 35 học sinh/lớp. Trình độ học sinh trong lớp khá chênh lệch. Một số em có tinh thần học tập chưa cao, lười học, học thụ động nhiều. Bởi thế, khi làm bài ít nỗ lực bản thân mà luôn mong chờ sự giúp đỡ từ bạn cùng nhóm. Số em khác là học sinh ngồi nhầm lớp, lực học chỉ ở mức trung bình và trung bình yếu.

Đã thế, học mô hình VNEN các em phải ngồi theo “mâm” quay mặt vào nhau nên nhiều em nói chuyện. Lớp học đông chia thành nhiều nhóm, giáo viên thật sự khó khăn bao quát hết các nhóm dẫn đến tình trạng copy bài nhau và ngồi nói chuyện, làm việc riêng. Cũng chỉ một kiến thức nhưng giáo viên phải đi tới 5 - 6 nhóm nói đi nói lại rất mất thời gian. Nhiều hoạt động của học sinh không cần thiết và hình thức như việc chia sẻ mục tiêu trong nhóm, trước lớp. Giới thiệu các danh xưng như chủ tịch (phó chủ tịch) hội đồng tự quản, các trưởng ban như đối ngoại, học tập, thư viện… khá nặng nề và chiếm nhiều thời gian vô ích.

Trong khi thời gian quy định 1 tiết học bậc tiểu học chỉ có 35 phút mà ổn định, báo cáo hết cả chục phút, thời gian học còn lại là rất ít.

Huyền Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều về mô hình dạy học VNEN