Theo dõi trên

Địa bàn xa nông dân “ngại” học nghề

13/12/2017, 08:40

BT- Năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hàm Tân nỗ lực phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Ông Dương Văn Bình – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hàm Tân cho biết: Đầu năm 2017, huyện giao chỉ tiêu cho trung tâm đào tạo nghề cho LĐNT 180 học viên trong kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu đào tạo 200 học viên. Ngay sau đó, trung tâm đăng ký làm việc với các hội, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn về chỉ tiêu và thống nhất các lớp nghề cụ thể. Đến cuối năm 2017, trung tâm mở được 10 lớp đào tạo nghề cho 256 học viên, đạt 142,2% chỉ tiêu giao. Các nghề đào tạo cho LĐNT gồm trồng rau an toàn; dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn; chăn nuôi gia súc; xây dựng dân dụng; may công nghiệp và kỹ thuật trồng nấm. Để đạt được kết quả đó, trung tâm đã nỗ lực phối hợp chính quyền các xã để mở lớp dạy nghề, thu hút học viên tham gia. Đồng thời phối hợp các trường nghề ở tỉnh khác để mở lớp, nâng chất lượng cũng như phong cách, kỹ thuật dạy nghề mới. Trung tâm cũng đã tính đến nhiều ngành nghề mới, phù hợp với nhu cầu địa phương có thể mở lớp nhưng chưa làm được do số lượng học viên quá ít.

Theo ông Bình, phần lớn các xã trên địa bàn huyện không tập trung về địa lý hành chính nên việc đào tạo nghề cho LĐNT gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kinh tế đặc thù của huyện là thuần nông nghiệp, các học viên đều là lao động chủ chốt của gia đình không có thời gian đi học. Các nhà máy, nông trường trên địa bàn huyện rất ít nên không thu hút lao động sau đào tạo nghề. Ngoài ra, công tác tuyên truyền đề án đào tạo nghề cho LĐNT chưa thực sự mạnh mẽ dẫn đến nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế. Mặt khác đến giữa năm 2017, huyện mới phân khai kinh phí đào tạo nghề nên khó khăn về kinh phí mở lớp. Dù là Trung tâm GDNN – GDTX với 2 chức năng tách biệt rõ ràng, nhưng hiện nay trung tâm chưa triển khai nhiệm vụ GDTX do chưa có biên chế giáo viên, kinh phí cũng như số lượng học sinh có nhu cầu học rất ít, không đủ số lượng để mở lớp. Không chỉ vậy, vị trí đặt trụ sở của trung tâm ở xã Tân Hà, cho nên học viên có nhu cầu ở xã Tân Đức, Tân Phúc, Sông Phan rất ngại đến trung tâm học nghề, do đường xa. Trong khi đó, học viên ở 3 xã ven biển là Thắng Hải, Tân Thắng và Sơn Mỹ lại đổ về học tại Trung tâm GDNN – GDTX thị xã La Gi.

Để thu hút nhiều hơn học viên tham gia học nghề, thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức, chủ động phối hợp các xã, thị trấn điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn huyện gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo…

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa bàn xa nông dân “ngại” học nghề