Theo dõi trên

Đề thi - tìm trong quá khứ

23/07/2021, 09:01

BT- Chấm thi về, một cô giáo hỏi tôi, có phải thi tú tài hồi trước năm 1975 đều làm bài trắc nghiệm khách quan, không có môn nào làm bài thi tự luận? Tôi nói đó là năm thi tú tài bằng hình thức trắc nghiệm khách quan lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ở miền Nam Việt Nam.    

Còn lưu trên kệ

Cô muốn biết cụ thể về cách ra đề thi, nhất là môn văn. Tôi nói năm lớp 12 không học văn, chỉ học triết học. Từ năm 1973 về trước, thi tú tài toàn phần có bài luận triết, đến năm 1974 thì không làm bài tự luận nữa mà thay bằng hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Nhưng đến năm học 1974 – 1975, Bộ Quốc gia Giáo dục miền Nam cải cách chương trình, đưa môn văn vào học ở lớp 12, song song với môn triết học. Nhưng ra tết năm 1975, tình hình chiến sự diễn ra khốc liệt, cuộc tổng tiến công của quân ta bùng nổ, quân đội Việt Nam cộng hòa thất trận, bỏ chạy. Trường học toàn miền Nam đóng cửa, việc đưa môn văn vào dạy - học ở lớp 12 bỏ dở. Nhưng sách giáo khoa, tài liệu ôn thi được biên soạn và các nhà xuất bản trước đó đã in ấn phát hành.

Sách giáo khoa cho học sinh miền Nam trước 1975

Cô muốn biết một số câu trắc nghiệm thời ấy. Tôi nói lâu rồi, nhớ không chính xác. Đang lúc trò chuyện thì có anh bạn cùng học hồi phổ thông ở Đà Nẵng gọi điện hỏi thăm, tôi vớ ngay, hỏi anh còn nhớ câu trắc nghiệm nào không? Anh nói nhớ sao nổi, nhưng còn vài cuốn sách để anh chụp gửi cho vài trang. Đọc thấy môn sử học, hỏi: Cuộc kháng Pháp của Đề Thám khi sắp kết thúc thì: a) Nguyễn Thiện Thuật bắt đầu lập chiến khu ở bãi sậy; b) Đông kinh Nghĩa thục bị Pháp bắt đóng cửa; c) Việt Nam Quốc dân đảng đang hoạt động mạnh; d) Thế chiến thứ hai sắp bắt đầu. Môn địa lý, hỏi: Loại tài nguyên Đông Đức nhiều hơn Tây Đức là: a) Dầu hỏa, gỗ; b) Sắt, đồng; c) Than đá, kẽm; d) Than non, pôtas. Môn công dân, hỏi: Nguyên tắc phân quyền được áp dụng từ thời: a) John Locke; b) J. J. Rousseau; c) Montesquieu; d) Cổ La mã...

Thử xem sách học một thời

Cô hỏi, thầy có tài liệu câu hỏi đề thi môn văn lớp 12 hồi ấy không? Tôi nói vừa qua có anh bạn giảng viên ở đại học sư phạm gửi tặng một cuốn giáo khoa Quốc Văn in năm 1974, của một nhóm tác giả soạn thảo dành cho cả 4 ban ABCD. Tôi dự kiến viết bài giới thiệu để quý thầy cô dạy văn tham khảo cho vui. Trong đó có phần câu hỏi trắc nghiệm gợi ý ôn thi tú tài, như ở chương 1: Tư tưởng thuần túy dân tộc, hỏi: Tác phẩm Hán văn nào sau đây nói về các truyện cổ của ta: a) Lĩnh Nam chích quái; b) Thiên Nam dư hạ tập; c) Tang thương ngẫu lục; d) Kiến văn tiểu lục; e) Hoàng Việt văn tuyển.

Chương 2: Ảnh hưởng Nho giáo, hỏi: Khổng Tử cũng như các nhà nho sau ngài đã quan niệm vũ trụ giống với một triết gia nào của Tây phương: a) Động tĩnh – He1raclite; b) Luôn luôn biến hóa sinh động – E1picure; c) Biến động theo một quy luật – Héraclite; d) Âm dương sinh thành – Platon; e) Vừa động, vừa tĩnh – Socrate.

Chương 3: Ảnh hưởng Phật giáo, hỏi: Các câu thơ sau đây trong Cung oán ngâm khúc: “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế/ Ai bày trò bãi bể nương dâu/ Trắng răng đến thuở bạc đầu/ Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần” có ý thuyết minh về: a) Khổ đế; b) Tập đế; c) Diệt đế; d) Đạo đế; e) Tất cả đều đúng.

Chương 4: Ảnh hưởng Lão giáo, hỏi: Theo Lão Tử, đạo là: a) Con đường tìm hạnh phúc; b) Con đường giải thoát thân xác; c) Con đường xa lánh trần tục; d) Nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ; e) Nguyên lý chi phối sự sinh tử của vật.

Chương 5: Ảnh hưởng tư tưởng lãng mạn, hỏi: Kể những tác giả tiêu biểu cho giai đoạn lãng mạn chuyển tiếp: a) Nhất Linh – Khái Hưng; b) Đông Hồ - Vũ Hoàng Chương; c) Tản Đà - Hoàng Ngọc Phách; d) Đông Hồ - Tương Phố - Hoàng Ngọc Phách; e) Tương Phố - Hồ Xuân Hương.

Chương 6: Ảnh hưởng của lý tưởng tự do dân chủ, hỏi: “Dân ngu thì nước phải yếu, vua quan nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất”. Câu trên đây là ý kiến của Phan Châu Trinh: a) Viết trong thư gửi vua Khải Định; b) Viết trong thư gửi chính phủ Pháp; c) Viết trong thư đả kích các quan lại hồi đó; d) Viết trong diễn văn đọc tại Saigon; e) Viết trong thư gửi cụ Phan Bội Châu. 

Hoặc Chương 8: Lược sử tiểu thuyết Việt Nam, hỏi: Nội dung quyển “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan nhằm: a) Cổ vũ tam cương ngũ thường của Nho giáo; b) Ca tụng thần tiên; c) Phản kháng, tố cáo bất công xã hội; d) Ca tụng giới nho sĩ; e) Cổ vũ cho phong trào học chữ Pháp…

Tôi nói trên là một số ví dụ, cuốn giáo khoa này có đến 10 chương. Cô giáo trầm ngâm một lúc, nửa thế kỷ rồi, kiến thức văn học để thi tú tài rộng thật. Bây giờ quanh quẩn có mấy tác phẩm, nhưng vẫn cứ kêu ca la lối quá tải.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi - tìm trong quá khứ