Theo dõi trên

Dạy học lịch sử ở bảo tàng

15/12/2020, 10:19 - Lượt đọc: 348

BT- Bên cạnh dạy và học ở giờ chính khóa, nhiều trường học trong tỉnh đang tích cực tổ chức những buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại bảo tàng, điểm di tích. Phương pháp này đang mang lại hiệu quả thiết thực, để các em có cái nhìn toàn diện, sinh động và củng cố kiến thức lịch sử.

Những giờ học thú vị

Trong khuôn viên khá hạn chế của Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh, nhưng gần 100 học sinh Trường tiểu học Bình Hưng (TP. Phan Thiết) vẫn giữ trật tự để lắng nghe từng lời của cô thuyết minh. Nhiều em còn cẩn thận mở vở ghi lại các dấu mốc đáng nhớ. Những hiện vật lịch sử ấy từ từ mở ra trở thành những câu chuyện chứ không còn thô ráp, câm nín nữa. Đó là các loại sinh vật hóa thạch và gỗ hóa thạch trên 2 triệu năm trước - nhóm hiện vật có thời gian tồn tại lâu nhất đến nay. Hay âm hưởng từ bộ đàn đá cổ Đa Kai 5 thanh và bộ đàn đá Sa Huỳnh 8 thanh, là  nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người, có niên đại 2.500 - 3.300 năm. Rồi các em được dẫn dắt về với văn hóa Đa Kai, là đặc trưng của văn hóa thời kỳ đồ đá ở địa bàn miền núi mà hiện nay thuộc về phía tây nam của xã Đa Kai, huyện Đức Linh. Không gian văn hóa của người Chăm Bình Thuận, một trong những tộc người bản địa, sinh sống lâu đời trong suốt tiến trình lịch sử gần 2.000 năm, với số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ như đền tháp, đền thờ, thành quách, vương miện, tượng, phù điêu…

Ngoài các hiện vật trưng bày trong nhà, các em còn rất thích thú khi được sờ, chụp hình bên những hiện vật ngoài trời là 2 khẩu súng thần công có từ thời nhà Nguyễn. Bia đài viết bằng chữ Hán, nơi ghi danh những người vì sự học. Cả chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo và sử dụng trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn từ 1967 - 1975, là chiếc máy bay do Quân đội Việt Nam Cộng hòa tháo chạy bỏ lại khi quân giải phóng đánh chiếm Đà Nẵng.

Học sinh thích thú khi tham gia buổi học ngoại khóa tại Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh.

Điều thú vị là không chỉ được tham quan, mà học sinh còn được trao đổi, trả lời câu hỏi để hiểu rõ vấn đề từ thuyết minh viên. Em Phạm Ngọc Kim Duyên – học sinh lớp 5 Trường tiểu học Bình Hưng cho biết: Từ trước đến nay, em chỉ học lịch sử qua sách vở nên rất khô và khó nhớ. Qua những lần được tham quan, nhìn ngắm trực tiếp các hiện vật tại bảo tàng em biết về quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng quê hương Bình Thuận. Điều này khiến không khí buổi học rất thú vị, sinh động, dễ hiểu hơn.

 Tăng cường các tiết học ngoại khóa

Nhằm giúp học sinh trau dồi thêm kiến thức, trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ các di vật, cổ vật, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 - 2025.

Có 3 hoạt động chính được triển khai gồm tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, di tích; đưa di sản văn hóa vào trường học và hoạt động “Chúng em chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ di tích”. Ngoài Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh, các trường sẽ tổ chức học tập ngoại khóa, tham quan thực tế tại một số điểm trọng tâm như di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, Di tích tháp PôSahInư (Phan Thiết), Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (Bắc Bình), Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bia chiến tích, đền thờ anh hùng liệt sĩ tại các địa phương. Đồng hành cùng với các em trong buổi tham quan là những cán bộ thuyết minh. Tùy vào độ tuổi của học sinh, cán bộ thuyết minh sẽ có cách truyền đạt, những câu chuyện kể phù hợp, để mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và thông tin chứa đựng trong đó bớt đi sự khô khan của những bài giảng lịch sử.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cung cấp các tài liệu để trường học lồng ghép vào nội dung giảng dạy môn xã hội, báo cáo chuyên đề về di sản văn hóa. Đồng thời tổ chức thi sáng tác tranh “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” cho học sinh khối tiểu học và THCS; cho học sinh tiểu học có giảng dạy chương trình tiếng Chăm thi viết chữ Chăm. Về phía trường học tổ chức các buổi bảo vệ gìn giữ di tích, bia chiến thắng, bia tưởng niệm, địa chỉ đỏ bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực...

Tin rằng qua những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế như vậy sẽ là bài học sinh động, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nỗ lực vươn lên trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học lịch sử ở bảo tàng