Theo dõi trên

Chuyển từ đào tạo sẵn có sang theo nhu cầu

01/08/2018, 09:38 - Lượt đọc: 15

BT- Hơn 2 năm sáp nhập và đi vào hoạt động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là trung tâm) huyện Bắc Bình gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp. Các thiết bị dạy nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy nông nghiệp, điện, cắt gọt kim loại, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ… chưa phát huy hiệu quả.

Sau khi sáp nhập tháng 9/2015, trung tâm có 3 cơ sở cách xa nhau, chi phí khá tốn kém nên hoạt động không hiệu quả. Đến giữa tháng 5/2016, trung tâm tiến hành chuyển tài sản ở cơ sở 2 (QL1A, xã Phan Hiệp) về cơ sở chính và cơ sở 1 để trả lại cơ sở 2 cho huyện. Đến nay, trung tâm đã tăng cường công tác liên kết đào tạo, mở rộng tuyển sinh. Từ đầu năm đến nay, trung tâm phối hợp các trường liên kết tuyển sinh 4 lớp đại học với số lượng 259 học viên và 7 lớp trung cấp với số lượng gần 200 học viên gồm các đại học Luật; liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học sư phạm mầm non; trung cấp lâm sinh; dược sĩ, điện công nghiệp... Cơ sở vật chất và các phương tiện dạy học đủ để đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy cho giáo viên, giảng viên và việc học tập của học viên. Thời điểm này, trung tâm đang tiếp tục liên kết để tuyển sinh các lớp đại học, trung cấp gồm các ngành: kế toán, sư phạm mầm non, lâm sinh, y sĩ, dược sĩ, mạng máy tính... Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, trung tâm tập trung chiêu sinh theo kế hoạch của UBND tỉnh, đã khai giảng 11 lớp với 310 học viên, đạt 57,4% KH. Các nghề thu hút đông lao động nông thôn theo học là dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn; chăn nuôi gia cầm; trồng và chăm sóc cây thanh long; thú y…

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo trung tâm, công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo hiện nay không ổn định do nhu cầu học tập của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện không còn nhiều nên nguồn tuyển sinh thấp. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa hình thành các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nên chưa giải quyết được việc làm tại chỗ cho người lao động sau khi được đào tạo nghề. Chính vì vậy, việc chiêu sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp còn hạn chế (chủ yếu đào tạo nghề nông nghiệp) nên chưa phát huy tối đa hiệu quả trang thiết bị. Điều đáng nói, thiết bị dạy nghề đã đáp ứng đủ để dạy nhưng vẫn chưa khai thác hết, nhất là các thiết bị dạy nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy nông nghiệp, điện, cắt gọt kim loại, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ… Không chỉ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn kết với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm sau đào tạo. Đồng thời việc tổ chức giảng dạy các lớp đào tạo nghề tập trung ở các xã, thị trấn nên rất khó trong việc dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện không đáp ứng đủ việc làm tại chỗ nên công tác tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp thấp.

Từ nay đến cuối năm 2018, trung tâm phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, trung tâm sẽ mở rộng các ngành nghề với quy mô phù hợp, để giúp người lao động qua đào tạo tìm kiếm được việc làm. Ưu tiên đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn, trước hết tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, thực hiện quyết liệt và đồng bộ giải pháp chuyển mạnh hình thức đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động. Đồng thời, tập trung công tác phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS để thực hiện chương trình học văn hóa gắn với học trung cấp nghề. Tổ chức các hoạt động liên kết đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn, tăng cường tuyển sinh các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học để phối hợp đào tạo.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển từ đào tạo sẵn có sang theo nhu cầu