Theo dõi trên

Câu chuyện giáo dục: Chuyện về cuốn sổ đầu bài

05/01/2018, 09:37

BT- Cuốn sổ đầu bài ở cấp 2 và 3 không chỉ dùng để ghi bài học từng môn. Nó còn được dùng để ghi tên những học sinh không thuộc bài, không chú ý trong giờ, hoặc vi phạm một số lỗi gì đó. Tiết sinh hoạt tập thể chỉ cần nhìn vào đó là giáo viên chủ nhiệm có thể biết ít nhiều tình hình học tập trong diện bị ghi tên vào sổ. Hầu như học sinh nào cũng sợ có tên trong sổ đầu bài, bởi đi cùng với nó thường là những lời khiển trách.

Bên cạnh đó, tổ giám thị cũng nhìn vào sổ đầu bài để kết điểm thi đua hàng tuần cho lớp (nếu giáo viên dạy cho điểm thấp, dĩ nhiên lớp ấy cũng xếp thứ hạng thấp so với nhiều lớp khác). Từ đó, nổi lên sự so sánh, sự hơn thua giữa lớp này với với nọ, giữa cô chủ nhiệm này với thầy chủ nhiệm nọ… Và,  một khi đã có sự hơn thua thì đi cùng với nó sẽ là những biện pháp “trả  đũa” ngấm ngầm…

Có lần chứng kiến thái độ bực dọc, hơn thua của một số giáo viên khi nói về đồng nghiệp mà thấy buồn: “Không hiểu ông D. thù hằn gì lớp tui, mà khi nào vào lớp dạy cũng quất cho con 8”. Có giáo viên cầm cuốn sổ đầu bài lên gặp Ban giám hiệu để “kiện” vì sao lớp A có 2 em không thuộc bài vẫn xếp loại tốt, còn lớp B lại xếp khá? Thầy cô vì thế trở nên  hiềm khích (ngầm) nhau. Về phía học sinh chuyện xích mích, ghét nhau cũng nhiều hơn. Bởi vì cá nhân vi phạm nhưng cả tập thể lớp và giáo viên chủ nhiệm phải chịu chung nên học sinh nào dù cố tình hay vô ý bị ghi tên vào sổ đầu bài cũng  không được lòng  cả lớp. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, giám thị đọc vị thứ các lớp dưới cờ, lớp xếp thứ hạng cao, cả cô và trò đều vui mừng hãnh diện, còn lớp xếp thứ hạng thấp lại chuẩn bị tinh thần để nghe những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Ở một số trường trung học cơ sở trong thị xã, đã đưa việc xếp hạng thi đua của lớp vào xét thi đua giáo viên. Dù thầy cô có nỗ lực bao nhiêu trong giảng dạy và các công tác khác nhưng lớp chủ nhiệm xếp hạng chót thì công tác chủ nhiệm của giáo viên không thể xếp tốt. Chính vì thế, “cuộc đua” giữa các lớp mà vai trò chủ đạo là giáo viên chủ nhiệm, luôn tỏ ra “nóng” hơn bao giờ hết.

Thiết nghĩ, mọi biện pháp được áp dụng trong nhà trường cũng đều hướng tới một mục đích tốt đẹp là mong muốn cho các em học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi. Dùng sổ để theo dõi, nhắc nhở, động viên học sinh sửa sai từ đó giúp các em ngày càng tiến bộ hơn cũng là điều nên làm. Nhưng không nên điều gì cũng cột vào thi đua của giáo viên, dồn lên đôi vai của họ những gánh nặng về thành tích. Để cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất lại là các em học sinh. Hãy để tuổi thơ của các em trôi qua một cách vô tư và bình yên không bị những suy nghĩ của sự ganh đua làm hoen đục.

 Thảo My



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện giáo dục: Chuyện về cuốn sổ đầu bài