Theo dõi trên

Cạm bẫy từ “làn khói trắng”

02/02/2021, 09:12

Kỳ 2: Giật mình vì những nguy hại

BT- Hút thuốc lá điện tử (TLĐT) đang ngày càng lan ra trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Dưới góc nhìn chuyên môn, loại thuốc lá đang được giới trẻ ưa chuộng ấy lại tiềm ẩn những hệ lụy. Đáng lo hơn khi đã có sự len lỏi của ma túy trong TLĐT…

                
      
      Mẫu TLĐT pha trộn ma túy được xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai.    Ảnh: Internet.

Độc hại khó lường

Như phản ánh ở kỳ trước, sử dụng TLĐT đang là “hot trend” trong một bộ phận giới trẻ. Và trào lưu ấy đang ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết bởi các em cho rằng nó hoàn toàn vô hại. Trong suy nghĩ của lứa tuổi học sinh, sử dụng TLĐT mới chứng tỏ được đẳng cấp, thể hiện được cá tính, sự sành điệu và “chất chơi” của mình. Nhận thức lệch lạc ấy đặt ra bài toán là làm gì để giới trẻ hiểu đúng, đầy đủ về TLĐT?. Điều đó cho thấy thách thức trong công tác quản lý học sinh, ngăn chặn TLĐT xâm nhập học đường hiện là chủ đề nóng. Trong khi đó, trên thị trường liên tục xuất hiện các mẫu TLĐT với đủ loại màu sắc, hình dạng, kích thước, mùi hương khác nhau, nhưng tựu chung lại đều nhằm kích cầu khả năng sử dụng của người dùng. Với mỗi sản phẩm tung ra, người bán quảng cáo rằng “TLĐT hoàn toàn vô hại với người dùng”. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Thông tin về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định: Cùng với thuốc lá điếu truyền thống thì TLĐT cũng tác động xấu đến tim mạch, phổi, não…  khi sử dụng. Bởi bản thân 2 loại thuốc này đều chứa nicotine và gây nghiện nếu sử dụng nhiều. Không những vậy, có ý kiến cho rằng TLĐT gây hại hơn thuốc lá truyền thống, vì các thành phần có trong TLĐT, nhất là hương liệu trong mỗi điếu thuốc thường đa dạng hơn, dễ thay đổi và khó kiểm soát. Điều này cũng có nghĩa ma túy dễ trộn lẫn trong hương liệu của TLĐT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác hại của TLĐT. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận TLĐT có tới 15.000 loại hương liệu. Các chất độc không chỉ được tìm thấy trong dung dịch TLĐT mà còn có trong khói thuốc. Tính đến đầu năm 2020, tại Mỹ có 2.602 ca viêm phổi và 57 người tử vong liên quan TLĐT. Độ tuổi của các bệnh nhân từ 15 - 75. Kiểm tra các mẫu bệnh phẩm, các nhà khoa học Mỹ tìm thấy hoạt chất vitamin E acetate trong TLĐT. Hoạt chất này an toàn dưới dạng viên hoặc dạng kem nhưng dưới dạng tinh dầu và khi hít phải thì nó trở thành “thủ phạm” của căn bệnh ung thư phổi. Vitamin E acetate được pha trộn trong các loại TLĐT còn chứa THC  (Tetrahydrocannabinol) thành phần chính của cần sa. Ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% vào năm 2019, trong khi trước đó chỉ 0,2%.

Tại Bình Thuận, tình trạng sử dụng TLĐT trên địa bàn tỉnh không phải mới bây giờ. Khi tiến hành điều tra vào năm 2017, ngành chức năng của tỉnh từng ghi nhận khoảng 45% nam giới ở độ tuổi trưởng thành sử dụng thuốc lá, trong đó có TLĐT. Đến năm 2020, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá giảm còn khoảng 28%, nhưng tỷ lệ sử dụng TLĐT lại tăng nhanh và đến nay chưa thể thống kê chính xác. Hầu hết các mẫu TLĐT xuất hiện tại Bình Thuận đều xuất xứ từ Trung Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều loại TLĐT còn được thiết kế có bộ phận sạc pin, bộ phận chứa chất lỏng và dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy ý. Đây chính là nguyên nhân khiến một số thành phần trong TLĐT dễ thay đổi, đối tượng xấu dễ trộn chất kích thích độc hại, kể cả ma túy để “con mồi” sử dụng.

 Ma túy “núp bóng”

TLĐT nguy hại là vậy nhưng đó chưa phải là hết. Điều đáng lo nhất hiện nay là người sử dụng TLĐT có nguy cơ nghiện “kép” - vừa nghiện TLĐT, vừa nghiện ma túy. Trên thực tế đã xuất hiện ma túy “núp bóng” dưới vỏ bọc TLĐT. Cuối năm 2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã cấp cứu một nam thanh niên 22 tuổi ở Hà Nội sau khi hút TLĐT thì bị rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp. Xét nghiệm tinh chất mà bệnh nhân này sử dụng trong TLĐT, bác sĩ phát hiện có chứa 5-fluoro-adbica - một dạng ma túy tổng hợp thế hệ mới. Bị ngộ độc, nhưng thanh niên này hoàn toàn không hề hay biết mình vừa sử dụng ma túy. Trước đó không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một học sinh cấp 3 bị mất kiểm soát sau khi sử dụng TLĐT. Những trường hợp đến bệnh viện cấp cứu sau khi sử dụng TLĐT đều có đặc điểm chung là bị sốc, co giật, hệ thần kinh, tim mạch bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Bình Thuận, đến nay các ngành chức năng của tỉnh chưa phát hiện đối tượng buôn bán ma túy dưới vỏ bọc TLĐT, chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc liên quan đến việc sử dụng TLĐT có thành phần ma túy. Dù vậy chúng ta không nên chủ quan. Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết, đến nay nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể về TLĐT. Cục Quản lý thị trường chưa bắt, xử lý trường hợp buôn lậu mặt hàng này. Qua nắm tình hình, ngành chức năng xác định TLĐT xâm nhập vào Bình Thuận chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh qua con đường vận chuyển trên tuyến quốc lộ 1A, một số ít đưa về bằng hình thức “xách tay”. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) cho hay, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, sẵn sàng lôi kéo người khác vào con đường nghiện ngập bằng mọi thủ đoạn. Hầu hết, loại ma túy mới nào xuất hiện tại các tỉnh, thành khác thì Bình Thuận cũng nhanh chóng xuất hiện loại ma túy đó.

Nhận định trên một lần nữa cho thấy sự phức tạp của tệ nạn ma túy. Người hút TLĐT hoàn toàn có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm ma túy. Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotine và nhiều chất gây hại cho cơ thể. Người hút và người xung quanh dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Khi phối trộn thêm các loại chất kích thích, ma túy, hương liệu không rõ nguồn gốc thì tổng các thành phần sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được. Sau khi nắm đầy đủ về TLĐT, chúng tôi bỗng giật mình, khi nghĩ đến hình ảnh những em học sinh phì phà với làn khói trắng mà chúng tôi ghi nhận được tại các quán xá những ngày qua. Rồi bỗng lo không biết một bộ phận giới trẻ đã nhúng chàm TLĐT ấy, gia đình có biết cách để dừng lại không?  

    
    Nhiều loại   TLĐT được thiết kế có bộ phận sạc pin, bộ phận chứa chất lỏng và dung   dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy ý. Đây chính là nguyên nhân   khiến một số thành phần trong TLĐT dễ thay đổi, đối tượng xấu dễ trộn   chất kích thích độc hại, kể cả ma túy để “con mồi” sử dụng.

Phóng sự: THANH THỦY - HỮU PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạm bẫy từ “làn khói trắng”