Theo dõi trên

Cái khó người  “cầm đèn” đi trước

18/09/2020, 09:49 - Lượt đọc: 44

Nỗi lòng cha mẹ học sinh

BT- Anh bạn – cũng là phụ huynh, thỉnh thoảng chủ nhật ra quán ngồi nhâm nhi cà phê với nhóm người đứng tuổi bọn tôi, và có cái tật, không ở trong ngành giáo dục nhưng hay hỏi xoáy, hỏi xéo về giáo dục. Lần này cũng vậy, bởi con anh vừa thi xong tốt nghiệp THPT, nó thi khối C, chọn đề tổ hợp khoa học xã hội, trong đó có môn giáo dục công dân. Gật gù nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hay, bọn nhỏ làm bài phấn khởi, nhất là môn giáo dục công dân. Thấy mọi người im lặng, anh xoay sang tôi để tìm hưởng ứng: Tui hỏi thầy, sao môn lịch sử vẫn là môn điểm thấp nhất? Chuyện này, tôi thấy qua mỗi kỳ thi, dư luận cứ tranh cãi hoài, nêu hết lý do này đến lý do khác, nhưng cuối cùng ông bộ có giải quyết được gì đâu! Nói sách môn lịch sử viết khô, viết khó, không sinh động, thiếu thuyết phục, học sinh chán học, nên kết quả kỳ thi luôn bị điểm thấp, thế thì môn giáo dục công dân có hấp dẫn gì đâu, có khi còn khô hơn môn lịch sử nhiều lần, sao tỷ lệ điểm thi vẫn cao? Tôi nghĩ chắc do “mấy ông môn lịch sử” trên bộ ra đề thôi. Môn lịch sử đã đưa vào giảng dạy từ xưa đến giờ, còn môn giáo dục công dân thì mới sau này, mà cũng mới đưa vào thi gần đây. Nghe anh thao thao như thế, làm tôi giật mình, bởi anh chàng phụ huynh này làm bên ngành thuế, có liên quan gì đến giáo dục đâu, mà lại tỏ ra trăn trở hỏi xoáy như vậy. Ghê chưa!  

                
Ảnh minh họa. Nguồn IT

Tôi hỏi, anh căn cứ đâu mà nói môn giáo dục công dân khô gấp nhiều lần với môn lịch sử? Anh nói, này nhé, thầy biết đấy, thằng con tôi thường đọc như tụng kinh, tham nhũng là… có mấy loại tham nhũng… tác hại và phòng chống… Tôi hỏi nó học môn gì mà chống tham nhũng vậy? Nó nói môn giáo dục công dân. Nghe nó đọc mà tôi sốt ruột: Mày thì biết gì mà tham với chả nhũng, nhức cả cái đầu. Nó trợn mắt, là công dân phải biết phòng chống tham nhũng, cô giáo con nói thế, đây là vấn đề lớn của xã hội mà ai cũng quan tâm, sao ba mắng con! Nghe nó nói thế, tôi nghĩ trong đầu, sao bắt học trò “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhưng sợ đi ngược lại với chủ trương của nhà trường, nên thôi. Nhưng nó lại lên tiếng, cô giáo nói tác hại của tham nhũng ghê gớm lắm, nó làm mục ruỗng xã hội, không chừng sụp đổ chế độ đấy. Nghe thế, tôi lại nghĩ, như mình đây, đấu thế nào, mà tham nhũng toàn những kẻ có chức quyền, biết họ lương bổng chừng ấy, xuất thân trong một gia đình cha mẹ để lại tài sản chẳng bao nhiêu, sao từ khi họ giữ chức quyền bỗng dưng giàu sụ. Tiền ấy đâu ra, không tham nhũng là gì!

 Không biết hôm ấy cô giáo dạy trên lớp thế nào mà thằng con tôi về nói, cũng chuyện học chống tham nhũng mà hai đứa bạn nó suýt đánh nhau. Khi cô dạy trong lớp chẳng đứa nào nói, nhưng khi ra về, có đứa đưa chuyện trên mạng nói về tham nhũng hối lộ ở ngành giao thông. Khi đó một đứa trong nhóm có cha làm cảnh sát giao thông, thế là cãi nhau, đứa có cha cảnh sát thì bào chữa, đứa kia lại minh chứng lên án. Tranh cãi không đi đến đâu, nếu không có bạn bè can thiệp thì cuộc ẩu đả thế nào cũng sứt đầu mẻ trán.

 Tấm lòng thầy cô giáo

Trước đây tôi làm quản lý, khi đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy được 2 năm thì nghỉ hưu, nay nghe anh bạn nói vậy, tôi cũng hơi bức xúc, nên tìm đến cô tổ trưởng tổ giáo dục công dân. Cô nói đã có nghe vụ đó. Các em họp tổ rút kinh nghiệm rồi. Sự ảnh hưởng của tiết dạy có lúc không còn nằm trong khuôn viên nhà trường mà len lỏi vào cuộc sống. Dạy phòng chống tham nhũng cho học sinh THPT là vấn đề hết sức nhạy cảm, khó, tài liệu ít, khung thời gian lại quá ít, nên khó giải quyết vấn đề cho rành rẽ. Thầy ạ, học sinh có thể biết nhiều hơn những điều mình sắp dạy. Nếu dạy mà né tránh hiện thực, học trò sẽ cho mình tô hồng, giả dối, nhưng nói thẳng ra với không ít quan chức cao cấp tham nhũng đã bị kỷ luật, lại là vấn đề nhạy cảm. Những tình huống này, nếu thầy cô không vững vàng, muốn được an toàn, thì thường hô hào, né tránh bình luận; hoặc bình luận theo “kiểu” trên mạng xã hội không chọn lọc, dễ làm các em mất niềm tin vào chế độ. Cả hai trường hợp ấy đều phản tác dụng, nên lo lắm, có gì sơ suất khi dạy thì ăn cho hết, thầy ạ. Bây giờ chúng em thống nhất không nặng về lý thuyết trong tiết dạy mà chọn những vụ án nào tiêu biểu để làm dẫn chứng. Chỉ ra việc tham nhũng như thế nào, vi phạm đạo đức và tác hại của hành động đó ra sao? Từ đó để cho học sinh thấy được sự kiên quyết xử lý của Đảng và Chính phủ. Thường thầy cô giáo cho các em xây dựng những tình huống giả định như tổ chức phiên tòa, dựng kịch bản tiểu phẩm cho học sinh đóng vai. Với cách làm như thế học sinh không thấy khô khan. Tạo tình huống như thế để học sinh chủ động tập trung xử lý với suy nghĩ của bản thân trên cơ sở pháp luật, gây dấu ấn giúp học sinh nhớ lâu dài để mang vào đời hành xử về sau. Nói đến đây, cô cười, cái chính là hình thành nhân cách, đạo đức làm người cho học sinh mới quan trọng thầy ạ, chứ có khi về lý thuyết biết hết, nhưng không có đạo đức công dân thì vẫn cứ vi phạm mà thôi.

Qua trao đổi với cô giáo, tôi rất quý mến tâm huyết và cách sáng tạo dạy học của quý thầy cô. Bởi thời gian rất ít (khối lớp 10 và lớp 11 có 2 tiết/năm học và lớp 12 có 3 tiết) để chuyển tải một nội dung giáo dục quá lớn và khó khăn như vậy.             

Đinh Đình Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái khó người  “cầm đèn” đi trước