Theo dõi trên

Buổi khai giảng ở ngôi trường đặc biệt

10/09/2020, 08:56

BT- Không cờ hoa, cũng không rộn ràng. Lễ khai giảng được tận dụng trong lớp học thường ngày. Bàn giáo viên đẩy lại trong góc, trên bục giảng là những túi gạo loại 10 kg xếp ngay ngắn. Đó là buổi lễ khai giảng ở ngôi trường đặc biệt: Trường Tình thương.

                
   Buổi lễ khai giảng tại Trường Tình thương.

Tôi gọi nó là buổi khai giảng đặc biệt, vì không giống như buổi khai giảng ở những trường khác. Không tiếng trống trường báo hiệu một năm học mới. Buổi lễ vắng lặng, không phụ huynh đưa đón, dẫn con em mình vào tận trong sân trường, dặn dò, sửa soạn quần áo, chỉ vài phụ huynh đứng ngoài hàng rào nhìn vào. Trường Tình thương chỉ có 5 khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Học sinh là những thân phận đặc biệt, trẻ lang thang, mồ côi, trẻ em con gia đình nghèo, trẻ bán vé số, trẻ thiểu năng, lao động sớm, trẻ di cư… Phòng học chỉ 18 m2, 5 giáo viên phụ trách 5 lớp.

Ở buổi lễ khai giảng, vài tiết mục văn nghệ đơn sơ như chính cuộc sống của các em nhỏ nơi đây. Nhiều trẻ dự khai giảng nhưng cứ ngơ ngác, mãi trêu ghẹo bạn kế bên, mà chẳng hiểu được gì ngoài ánh mắt ngờ nghệch. Có em đăm chiêu nhìn ra cửa sổ, có em 9 tuổi lần đầu tiên vào lớp 1, vì cuộc sống rày đây mai đó mưu sinh của mẹ, cha.

“Năm nay trường đón gần 100 học sinh, nhưng cơ sở vật chất còn eo hẹp lắm. Anh thấy đó, ngày khai giảng mà nhận gạo, rồi nhận vở, trang phục thể dục cũng chưa có cho các em, từ từ rồi chúng tôi sẽ vận động. Phòng ốc thì rất nhỏ, có cái phòng lớn vừa dạy, vừa là nơi họp hành, sinh hoạt vào những dịp quan trọng của trường” - Thầy Lê Thanh Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tình thương, cho biết.

Buổi khai giảng có sự góp mặt của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (trường trực thuộc sở) và lãnh đạo UBND phường Phú Trinh, những nhà hảo tâm, những con người đã âm thầm giúp sức cho ngôi trường thiếu thốn về vật chất, nhưng đầy ắp tình thương và chia sẻ. Là những lần các em được Salon Đạt cắt tóc miễn phí, được nhóm chia sẻ yêu thương trao từng túi gạo mang về nhà cho gia đình, với một niềm tin duy nhất “các con no bụng, sẽ chịu đến trường”.

Buổi khai giảng khác biệt diễn ra chóng vánh, để các học sinh còn tranh thủ mưu sinh, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Một năm học mới lại đến với ngôi trường đặc biệt, nhưng những lo toan của giáo viên nơi đây vẫn mong mỏi điều kiện cơ sở vật chất khang trang hơn, trang thiết bị dạy học đầy đủ hơn.

Và hơn hết, đó là mong cho những học trò nghèo của trường được xã hội chung tay chia sẻ, hỗ trợ các em đầy đủ về vật chất, để không phải suy nghĩ chuyện mưu sinh mà bỏ học giữa chừng và còn nhiều thứ khác nữa…

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buổi khai giảng ở ngôi trường đặc biệt