Theo dõi trên

Bếp ăn bán trú trường học: Kiểm soát chặt thực phẩm đầu vào

25/03/2019, 08:44

BT- Trước thông tin nhiều học sinh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có kết quả dương tính với ấu trùng sán heo khiến dư luận thêm lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học. Tại Bình Thuận, nhiều trường học đã chủ động giám sát, kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào trường học và khâu chế biến tại bếp ăn trường học. 

                
   Giờ ăn tại Trường mầm non Tuổi Thơ.

Nhà trường và phụ huynh cùng giám sát

7 giờ sáng tại Trường mầm non Tuổi Thơ (TP. Phan Thiết), khi nguồn  tiếp phẩm lần lượt được mang đến giao cho nhà bếp như rau, củ, quả, cá, thịt được nhân viên nhà bếp và Ban giám hiệu của trường kiểm tra kỹ nguồn gốc, chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm trước khi nhận.  Không cẩn thận sao được khi thời điểm này thịt heo nhiễm sán là nỗi lo chung của mọi người, được các nhân viên nhà bếp kiểm tra lật đi, lật lại từng thớ thịt và sơ chế qua nước sôi, sau đó nấu thật kỹ. Thấy tôi ngạc nhiên, cô Ông Võ Huyền Trinh – Hiệu phó Trường mầm non Tuổi Thơ cho biết: “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là công tác chính trong trường học, nên không phải khi có dịch, trường mới bắt đầu thực hiện mà việc này đã được trường chú trọng triển khai từ đầu năm học. Các nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà bếp đều được cấp giấy chứng nhận ATVSTP và có ký kết hợp đồng quy định về chất lượng, trách nhiệm của nhà cung cấp.

 Để đảm bảo chất lượng thực phẩm  “đầu vào” của bếp ăn, trường đã thành lập Ban tiếp phẩm với sự tham gia của nhân viên bếp, Ban giám hiệu trường, nhân viên y tế và Ban đại diện Hội phụ huynh để kiểm tra chất lượng thực phẩm hàng ngày. Quan điểm của trường luôn tạo điều kiện cho Ban đại diện phụ huynh hoặc phụ huynh nào có nhu cầu đều được tham gia giám sát nguồn thực phẩm, tham quan giờ ăn của các bé”.  Để minh chứng cho điều này, phóng viên gặp phụ huynh Võ Thị Thanh Hà có con học tại trường cho biết:  “Tôi rất yên tâm khi con được học tại đây vì môi trường rất an toàn. Việc cung cấp dinh dưỡng, thực phẩm cho các cháu, chúng tôi đều nắm qua thực đơn được công khai hàng ngày. Lâu nay, chúng tôi được trường tạo điều kiện để tham quan bếp ăn, giờ ăn của bé và tôi thấy hài lòng về vấn đề ATVSTP cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho các con”.

Còn tại Trường mầm non Hướng Dương (Hàm Thuận Bắc) với số lượng hơn 400 học sinh, do đó vấn đề ATVSTP cũng được trường chú trọng thời gian qua. Trường luôn tuân thủ các khâu như giao nhận thực phẩm tươi sống bằng cách cân, kiểm tra chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng thực phẩm. Giám sát toàn bộ khâu chế biến và việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của nhân viên nhà bếp. Đặc biệt, thời điểm này trường phối hợp với Ban đại diện phụ huynh tăng cường công tác giám sát nguồn thực phẩm phục vụ cho bếp ăn của trường…  

Nhiều trường tạm ngừng sử dụng thịt lợn

         
         Ông Nguyễn Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực    phẩm tỉnh cho biết, hiện nay chi cục đang quản lý 88 bếp ăn tập thể    trường học. Qua kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trường học đã    chấp hành tốt các quy định về điều kiện ATTP. Tuy nhiên, vẫn có    nhiều trường chưa thực hiện tốt về các vấn đề như: việc mua thịt,    trứng chưa xuất trình được giấy kiểm dịch thú y…

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng và việc nhiều trẻ dương tính với ấu trùng sán heo ở tỉnh Bắc Ninh, nhiều trường học bán trú trên địa bàn tỉnh đã giảm lượng thịt heo tối đa nhất có thể trong thực đơn hàng ngày cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng – Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương cho biết: “Để không gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, hiện trường đã tạm thời ngừng sử dụng thịt heo mà thay thế các nguồn thực phẩm khác như cá, tôm, hải sản nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho bé”. Tương tự tại Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết), mầm non Tuổi Thơ… cũng tạm thời giảm lượng thịt heo từ 3 bữa/tuần xuống còn 1 bữa/tuần, thay thế bằng các nguồn thực phẩm khác vẫn đảm đảm dinh dưỡng cho các cháu. Việc quay lưng với thịt heo của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa hẳn là một biện pháp hữu hiệu. Bởi thực tế, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Điều quan trọng là các trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nói không với thực phẩm bẩn…

Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học và an toàn thực phẩm. Hiện nay, địa phương cũng đang chỉ đạo các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong nhà trường; tuân thủ quy trình giao - nhận, kiểm thực phẩm 3 bước, lưu mẫu thức ăn; tăng cường vệ sinh trường học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.   

THANH THỦY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bếp ăn bán trú trường học: Kiểm soát chặt thực phẩm đầu vào