EU trước bộn bề khó khăn sau 25 năm thành lập

10/12/2016, 08:50

Theo cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz, Liên minh châu Âu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và có thể sẽ vỡ ra từng mảnh.

Ngày 9/12 đánh dấu 25 năm ngày Liên minh châu Âu (EU) được “khai sinh” bằng Hiệp ước về Liên minh châu Âu (TEU) hay còn gọi là Hiệp ước Maastricht. Không thể phủ nhận rằng từ đó đến nay, với việc mở rộng ra 28 nước thành viên, sức ảnh hưởng của Liên minh châu Âu ngày càng lớn, song khối này cũng đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi làn sóng phản đối hội nhập lan rộng.

                
      
      EU    đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi làn sóng    phản đối hội nhập lan rộng. (Ảnh: SCMP)

Ngày này cách đây 25 năm, Hội đồng châu Âu (EC) đã nhóm họp tại thành phố Maastricht để soạn thảo Hiệp ước về Liên minh châu Âu (Treaty on European Union). Dựa trên sự nhất trí tại cuộc họp này, từ nền tảng là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), Liên minh châu Âu chính thức được thành lập sau khi Hiệp ước Maastricht có hiệu lực từ ngày 1/11/1993. Đến nay, Hiệp ước Maastricht vẫn được coi là đỉnh cao về sự đồng thuận của châu Âu.

Được ký kết sau nhiều tháng đàm phán, Hiệp ước Maastricht đã hài hòa được nhu cầu khác nhau giữa những nước muốn một liên minh hợp tác đầy đủ, chặt chẽ và những nước chỉ muốn một mối quan hệ vừa phải. Hiệp ước Maastricht đã đánh dấu sự chuyển đổi từ một liên minh kinh tế trở thành một liên minh chính trị với việc giới thiệu đồng tiền chung và ý tưởng về công dân châu Âu.

Tuy nhiên, những vấn đề mà EU đối mặt hiện nay cũng bắt nguồn từ đó. Bởi mở rộng tiêu chí liên kết đồng nghĩa với xa dần nguyên tắc nền tảng ban đầu là kinh tế khiến EU sẽ đối diện với ngày càng nhiều phức tạp phát sinh và từ đó xuất hiện ý tưởng phân rã Liên minh châu Âu khi sự phức tạp không thể hoá giải bằng sự đồng thuận.

Bên cạnh đó, khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí Hiệp ước Maastricht vào năm 1992, khối này chỉ có 12 thành viên. Kể từ đó đến nay, Liên minh châu Âu đã tăng lên 28 thành viên, trong đó có 19 nước sử dụng đồng ơ-rô.

Nhà phân tích chính trị Emmanouilidis của Trung tâm chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định: “Đã có sự thỏa hiệp giữa các nước thành viên để Hiệp ước Maastricht có hiệu lực. Lúc đó Hiệp ước này cũng đã bị chỉ trích song không thể so sánh với những gì chúng ta thấy ngày nay khi sự hoài nghi về EU ở nhiều nước đang ở mức cao. Những người theo chủ nghĩa dân túy đang lợi dụng những chỉ trích này để đạt được mục đích của họ.”

Cùng với sự ra đời của đồng tiền chung euro, EU đã đặt ra những tiêu chuẩn tài khóa chung cho khối. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy định về ngân sách của Liên minh châu Âu sau cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro năm 2009 dẫn tới hậu quả là một số nước bao gồm Hy Lạp và Tây Ban Nha phải xin gói cứu trợ.

Nhà phân tích chính trị Emmanouilidis cho rằng, EU đã có đôi chút tự mãn khi nhận định không có nguy cơ đồng tiền chung sụp đổ nên không cảm thấy việc cần thiết phải tiếp tục cải cách tiền tệ.

Sau khủng hoảng tài chính năm 2009, châu Âu đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới như làn sóng nhập cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi khối này và kể cả việc cử tri Italy mới đây từ chối sửa đối Hiến pháp.

Cuộc trưng cầu ý dân ở Italy cực kỳ quan trọng với Liên minh châu Âu bởi Thủ tướng Matteo Renzi là lãnh đạo duy nhất còn lại ở châu Âu đồng thuận với lãnh đạo của khối về tầm nhìn cho tương lai Liên minh châu Âu trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Angela Merkel đều bận rộn với những cuộc bầu cử trước mắt nên không còn tâm trí cho Liên minh châu Âu nữa.

Hai cuộc trưng cầu ý dân ở Anh và Italy trong vòng 6 tháng với những kết quả đáng thất vọng cho Liên minh châu Âu đã cho thấy khối này đang ở tình thế nguy cấp đến mức nào. Mọi chuyện có thể chưa dừng lại ở đó khi sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy và hiệu ứng tiêu cực từ 2 sự kiện này có thể tác động tới chính trường Pháp và Đức trong các cuộc bầu cử năm sau.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ này, trong đó có cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 9 vừa qua khi vẫn còn tại nhiệm, chính trị gia người Đức này chia sẻ, khi được bầu vào Nghị viện châu Âu 22 năm trước, ông không bao giờ có thể tưởng tượng ra được Liên minh châu Âu có thể lâm vào tình trạng như hiện nay. Theo ông, Liên minh châu Âu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và nếu không cẩn thận thể chế này sẽ vỡ ra từng mảnh.

Diệu Hương/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU trước bộn bề khó khăn sau 25 năm thành lập