La Gi: Nhiều dự án chậm triển khai

06/12/2016, 08:02

BT- Toàn thị xã La Gi hiện có 39 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích khoảng 562 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.411 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 10 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh, 6 dự án đang triển khai xây dựng dở dang và có đến 23 dự án chậm triển khai. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng du lịch của thị xã.

                
      
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa kiểm    tra thực tế các dự án du lịch chậm triển khai ở La Gi.

Có những dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn đến cuối năm nay, nếu không tiếp tục triển khai sẽ cho thu hồi, như dự án khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân với tổng diện tích hơn 182 ha. Đây là một trong những dự án du lịch lớn nhất đầu tư vào thị xã từ năm 2004. Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Hàm Tân đã tiến hành đền bù 157,9 ha, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khu tái định cư... Đặc biệt, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng phần thô khu resort thuộc giai đoạn 1 khoảng 6 ha với tổng vốn đầu tư đã thực hiện đã lên tới 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án buộc phải tạm ngừng do khó khăn về tài chính và  còn vướng đền bù 24,7 ha đất của dân chưa thỏa thuận được giá cả. Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án chưa triển khai còn vướng đền bù giải tỏa như dự án Khu du lịch Sài Gòn – Hương Nam, khu du lịch Ba Miền, khu du lịch Cam Bình… Hầu hết những dự án này còn vướng đất của vài hộ dân, nhưng chưa thỏa thuận được  vì giá đền bù quá cao. Bên cạnh đó, còn có 11 dự án chậm triển khai đầu tư do nằm ở khu vực không thuận lợi về cơ sở hạ tầng và chưa có đường giao thông.

Đối với những dự án chưa có đường vào, UBND tỉnh đã có văn bản giao các ngành chức năng sớm giải quyết vướng mắc các dự án du lịch trên tuyến đường Tân Bình – Tân Hải, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Theo Công văn 3002/UBND-VXDL ngày 23/8/2016 của UBND tỉnh, yêu cầu rà soát quy hoạch và xem xét đề xuất mở rộng tuyến đường song hành Tân Bình – Tân Hải nhằm kết nối các dự án du lịch nằm dọc theo tuyến đường. Sau khi bàn bạc, các ngành chức năng đã thống nhất đưa ra 2 phương án: đường song hành sẽ đi dọc theo ranh các dự án phía gần đường du lịch Tân Bình – Tân Hải, hoặc đường song hành sẽ đi dọc ven biển, cách bờ biển khoảng 100 – 150m.

Trong chuyến đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND thị xã La Gi về việc các dự án du lịch chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa cũng nhấn mạnh: Về tuyến đường song hành, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành và các chủ đầu tư rà soát lại một lần nữa, xem nên xây dựng đường ven biển, đường song hành hay đường xương cá để thuận lợi cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án… Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hòa cũng nhìn nhận La Gi là một trong những địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, yêu cầu UBND thị xã La Gi cần theo dõi, nắm bắt vướng mắc từng dự án cụ thể và có đề xuất hướng giải quyết thấu đáo. Trong đó, ưu tiên các dự án đang xây dựng còn vướng giải tỏa đền bù. Đối với các dự án không có năng lực tài chính, không có thiện chí đầu tư, đền bù thì nên thu hồi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng cần rà soát chi tiết các dự án để tăng số lượng các dự án đang đi vào kinh doanh, đang xây dựng, giảm số dự án chậm triển khai…

    
    Gần 60% các dự án chậm triển khai là một con số không hề nhỏ đối với một   đô thị mới. Nhiều dự án vướng quy hoạch, chồng lấn nhau, không có đường   vào hoặc thiếu năng lực tài chính khiến “thiên đường resort” thứ 2 của   tỉnh rơi vào bế tắc.

M.V


Related articles

(0) Comments
Focus
Đoàn cơ sở Công ty ĐHĐ nhận “em nuôi”
Sáng ngày 24/3/2024, Đoàn cơ sở Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) cùng các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khu vực thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình "Em nuôi của Đoàn” tại Công ty TNHH May mặc First Team thuộc Khu công nghiệp Lộc Sơn. Chương trình do Thành đoàn Bảo Lộc tổ chức để các Đoàn cơ sở nhận đỡ đầu các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Nhiều dự án chậm triển khai